Lỗ mây bí ẩn là kết quả của những giọt siêu lạnh đông cứng thành tinh thể băng theo phản ứng dây chuyền, theo Sci Tech Daily. Khoảng 8% bầu trời Trái Đất được bao phủ bởi các đám mây tầng ở độ cao trung bình như mây trung tích và mây trung tầng, xuất hiện dưới dạng nhiều lớp nằm ngang.
Đôi khi, đặc biệt ở gần sâu bay vào mùa đông, những đám mây này phát triển một đặc điểm khác thường, trong đó phần đáy dường như rơi mất. Hiện tượng tạo ra một hình dạng đặc trưng gọi là lỗ mây. Hôm 2/12/2024, máy chụp ảnh OLI-2 (Operational Land Imager-2) trên vệ tinh Landsat 9 chụp hình hai lỗ mây trên bầu trời phía trên Wichita, Kansas. Nhìn từ bên trên hoặc bên dưới, lỗ mây trông giống hình tròn được cắt gọn gàng hay thiên thực bị mây che phủ. Trung tâm của chúng thường có những dải mây mỏng, trông như thể đám mây đổ xuống từ bầu trời.
Hiện tượng xảy ra ở đám mây tầng trung chứa giọt nước siêu mạnh vẫn duy trì dạng lỏng ngay cả dưới 0 độ C. Nhưng ngay cả giọt siêu lạnh cũng có thể đông cứng. Khi một máy bay bay qua lớp mây, nhiệt độ lạnh thêm ở phía trên cánh máy bay có thể đẩy giọt lỏng siêu lạnh tới trạng thái đông cứng. Tinh thể băng trở nên nặng dần và rơi, để lại khoảng trống trong đám mây. Những tinh thể băng rơi thường xuất hiện như vệt mưa lưa thưa gọi là virga.
Các nhà nghiên cứu xem xét những sân bay lớn trên khắp thế giới ước tính điều kiện khí quyển phù hợp để lỗ mây hình thành là 3 - 5% thời gian, nhưng tăng lên 10 - 15% thời gian vào mùa đông. Máy bay bay qua ở góc nhọn tạo ra lỗ mây nhỏ hình tròn. Ở góc tù hơn, máy bay tạo ra đám mây dài với những vệt mưa trải rộng. Những yếu tố khác có thể ảnh hưởng tới chiều dài của lỗ mây bao gồm độ dày của tầng mây, nhiệt độ không khí và mức độ gió đứt.
An Khang (Theo Sci Tech Daily)