Vào ngày Giáng sinh, tàu thăm dò Parker sẽ bay gần hơn mọi lần trước đó để "chạm vào Mặt Trời", gần hơn gấp 8 lần khoảng cách giữa sao Kim và ngôi sao. Con tàu sẽ đánh bại kỷ lục tốc độ của chính nó, trở thành vật thể nhân tạo nhanh nhất khi bay sát Mặt Trời. Tuy tàu thăm dò vẫn tiến hành thêm vài lần bay gần nữa trong 12 tháng tới, nó không có khả năng bay gần hơn nhiều so với lần này, theo Live Science.
Parker phóng vào năm 2018 với mục tiêu tìm hiểu nhiều hơn về khí quyển Mặt Trời (vành nhật hoa) bằng cách bay xuyên qua. Tàu thăm dò làm được điều đó lần đầu tiên năm 2021. Con tàu nhiều lần bay vòng quanh ngôi sao và đôi khi quanh sao Kim để tích lũy đủ tốc độ và động lượng nhằm đến gần hơn với mỗi lần tiếp cận. Tính đến nay, tàu đã hoàn thành 21 lần bay gần Mặt Trời.
Tàu Parker đến gần Mặt Trời hơn bất kỳ tàu vũ trụ nào khác trong lịch sử, đạt khoảng cách tối thiểu 7,2 triệu km tính từ ngôi sao trong lần bay gần vào tháng 10/2023 và tháng 3 năm nay. Trước đó, con tàu cũng phá vỡ kỷ lục dành cho vật thể nhân tạo nhanh nhất, với tốc độ 635.000 km/h, nhanh gấp khoảng 150 lần đạn súng trường.
Vào 6h53 ngày 24/12 giờ Mỹ (17h53 ngày 24/12 giờ Hà Nội), tàu Parker sẽ bay cách Mặt Trời 6,1 triệu km và đạt tốc độ tối đa khoảng 700.000 km/h, theo NASA. Tàu sẽ trải qua nhiệt độ trên 1.400 độ C với sự hỗ trợ của tấm chắn nhiệt giúp bảo vệ mặt quay về phía Mặt Trời của phương tiện.
Tàu Parker bắt đầu thao tác này từ đầu tháng 11 khi hoàn thành thành công lần bay thứ 7 và cuối cùng theo lịch trình quanh sao Kim. Việc mượn trợ lực từ lực hấp dẫn giúp tàu thu thập lực đẩy cần thiết để phá vỡ kỷ lục tốc độ của chính nó. Con tàu cũng sẽ bay qua cơn phun trào vành nhật hoa (CME) lần đầu tiên, giúp hé lộ bí ẩn nhiều thập kỷ xoay quanh vành nhật hoa tự nóng lên như thế nào.
Lần bay gần này cũng trùng hợp với đỉnh phun trào trong chu kỳ 11 năm hoạt động của Mặt Trời, gọi là cực đại Mặt Trời diễn ra trong phần lớn năm nay và tiếp tục trong năm sau. Kết quả từ chuyến bay có thể giúp tìm hiểu về những gì xảy ra với từ trường Mặt Trời khi nó đảo ngược và dự đoán thời tiết vũ trụ có thể ảnh hưởng tới Trái Đất.
Dự kiến tàu Parker sẽ hoàn thành thêm 4 lần bay gần Mặt Trời trong năm 2025 và có thể bay gần ngôi sao hơn một chút so với hôm 24/12. Sau đó, động cơ đẩy của tàu sẽ cạn kiệt nhiên liệu, phần lớn tàu vũ trụ sẽ bị phá vỡ bởi Mặt Trời. Tuy nhiên, tấm chắn nhiệt có thể vẫn ở trên quỹ đạo quanh Mặt Trời trong hàng nghìn năm.
An Khang (Theo Live Science)