Hiện tượng thời tiết mát mẻ La Nina có thể xuất hiện trong những tháng tới, nhưng nhiều khả năng nó sẽ yếu và không tồn tại lâu do tác động đáng kể của nhiệt độ toàn cầu tăng vọt, theo báo cáo của Liên Hợp Quốc (UN) hôm 11/12. Hiện nay, có 55% khả năng điều kiện La Nina sẽ xuất hiện vào cuối tháng 2, Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) thuộc UN cho biết. Khả năng hiện tượng này xuất hiện giữa tháng 2 và tháng 4 cũng ở mức tương tự.
Đầu năm nay, WMO kỳ vọng sự quay trở lại của La Nina sẽ giúp nhiệt độ hạ thấp hơn một chút sau nhiều tháng đạt kỷ lục nhiệt độ toàn cầu một phần do hiện tượng trái ngược với La Nina là El Nino gây ra. Mô hình thời tiết này tác động tới khắp hành tinh suốt một năm từ tháng 6/2023. Nhưng giám đốc Celeste Saulo của WMO cảnh báo có thể La Nina sẽ có tác động rất nhỏ sau năm 2024, vốn đang trên đà trở thành năm nóng nhất trong lịch sử.
"Ngay cả khi hiện tượng La Nina xuất hiện, tác động hạ nhiệt ngắn hạn của nó không đủ để bù đắp hiệu ứng ấm lên của khí nhà kính hấp thụ nhiệt trong khí quyển. Trong tình hình vắng mặt cả El Nino lẫn La Nina từ hồi tháng 5, chúng ta vẫn chứng kiến một loạt sự kiện thời tiết cực đoan, bao gồm lượng mưa và ngập lụt kỷ lục đang trở nên phổ biến khi điều kiện khí hậu biến đổi", Saulo cho biết.
La Nina là hiện tượng khí hậu tự nhiên làm hạ nhiệt độ bề mặt đại dương ở nhiều khu vực rộng lớn của Thái Bình Dương, đi kèm với gió, mưa và thay đổi trong áp suất khí quyển. Ở nhiều địa điểm, đặc biệt là vùng nhiệt đới, La Nina tạo ra tác động khí hậu trái ngược với El Nino, hiện tượng làm nóng nhiệt độ bề mặt đại dương, dẫn tới hạn hán ở vài nơi trên thế giới và thúc đẩy mưa lớn ở nơi khác.
Dù cả hai đều là sự kiện tự nhiên, WMO nhấn mạnh chúng đang diễn ra trong bối cảnh rộng hơn của biến đổi khí hậu do con người gây ra, làm tăng nhiệt độ toàn cầu, khiến thời tiết cực đoan thêm trầm trọng, tác động tới lượng mưa theo mùa và mô hình nhiệt độ.
An Khang (Theo AFP)