Cá heo chiến binh bảo vệ căn cứ của quân đội Mỹ

Quân đội Mỹ và nhiều nước khác sử dụng cá heo để bảo vệ căn cứ hải quân bởi chúng sở hữu nhiều khả năng ưu việt.


Cá heo nổi tiếng với trí thông minh đặc biệt. Chúng là loài động vật có vú thân thiện, tò mò và hay nô đùa. Trên thực tế, cá heo học hỏi rất nhanh, có tài bắt chước, thể hiện khả năng tự nhận thức kỹ năng giải quyết vấn đề. Do đó, cùng với nhiều động vật có vú ở biển khác, cá heo được quân đội các nước trên khắp thế giới sử dụng cho những mục đích khác nhau, bao gồm bảo vệ căn cứ tàu ngầm hạt nhân, theo IFL Science. Quân đội Mỹ nuôi cá heo ở Căn cứ tàu ngầm hải quân King’s Bay tại Georgia và Căn cứ hải quân Kitsap gần Seattle. Tại đó, cá heo giúp bảo vệ 1/4 kho vũ khí hạt nhân có sẵn của nước Mỹ.


Hải quân Mỹ bắt đầu kiểm tra những loài cá heo khác nhau vào năm 1959 khi đánh giá khả năng của chúng cùng với sư tử biển, rùa, chim, cá mập và cá đuối. Quá trình xem xét khả năng cảm thụ và năng lực thể chất, cũng như khả năng huấn luyện chúng. Không phải mọi động vật đều có thể huấn luyện và hữu ích đối với mục đích quân sự. Qua nhiều năm, đối tượng sử dụng tiềm năng thu hẹp chủ yếu là cá heo mũi chai và sư tử biển California.


Nỗ lực huấn luyện được tiến hành thông qua Chương trình động vật biển có vú của hải quân (NMMP). Vào thập niên 1980, có hơn 100 con cá heo sống ở các cơ sở hải quân trên khắp nước Mỹ, hoạt động với ngân sách hơn 8 triệu USD. Cá heo được huấn luyện để mang camera trong miệng, đưa tin, thậm chí xác định vị trí thợ lặn của quân địch. Tương tự, sư tử biển được dạy cách thu gom mìn từ đáy biển, trong khi cá voi beluga tuần tra vùng biển và tìm kiếm mối đe dọa. Từ năm 1986 đến năm 1988, 6 con cá heo tham gia hộ tống tàu chở dầu Kuwait qua vịnh Ba Tư. Năm 2003, những con cá heo khác giúp quân đồng minh dỡ mìn ở cảng Umm Qasr, Iraq.


Cá heo được lựa chọn cho hoạt động quân sự vì nhiều lý do liên quan tới trí thông minh, năng lực thể chất và tính xã hội cao của chúng. Cá heo tiến hóa để có thể lập bản đồ môi trường thông qua khả năng định vị bằng tiếng vang, giúp chúng "nhìn" xuyên qua sóng âm mà chúng tạo ra bằng âm thanh lách cách, sau đó dịch lại tiếng vang vọng lại từ các vật thể.


Tiếng lách cách không phát ra từ miệng cá heo. Thay vào đó, chúng được tạo ra bằng cách đẩy không khí qua cấu trúc tên là môi phát âm nối liền với khoang mũi. Khi không khí truyền qua khoang mũi và qua môi này, nó khiến mô xung quanh rung lên, tạo ra âm thanh. Cá heo có thể phát ra âm thanh phức tạp với tần số và dạng sóng khác nhau, giúp "chụp ảnh" chi tiết môi trường xung quanh, bao gồm điều kiện bùn lầy hoặc hiểm trở không thể sử dụng công nghệ nhân tạo. Điều này khiến chúng đặc biệt phù hợp để tìm đồ vật như mìn ở vùng nước nông hoặc cảng biển. Đồng thời, cá heo có thể lặn sâu hàng trăm mét bên dưới mặt nước, không bị ảnh hưởng bởi bất kỳ giới hạn thể chất hay nguy cơ nào như con người.


Dù hữu dụng, cá heo chiến binh là một chủ đề gây tranh cãi. Có nhiều lo ngại xoay quanh việc sử dụng và khai thác cá heo. Các nhà hoạt động vì quyết động vật đặt ra nhiều câu hỏi như làm cách nào để khiến cá heo thực hiện nhiệm vụ mà chúng không hiểu rõ trong bối cảnh nguy hiểm. Hiện nay, Mỹ có khoảng 85 con cá heo mũi chai và số lượng sư tử biển nhỏ hơn được huấn luyện bởi NMMP.


An Khang (Theo IFL Science)









Ca heo chien binh bao ve can cu cua quan doi My


Quan doi My va nhieu nuoc khac su dung ca heo de bao ve can cu hai quan boi chung so huu nhieu kha nang uu viet.

Cá heo chiến binh bảo vệ căn cứ của quân đội Mỹ

Quân đội Mỹ và nhiều nước khác sử dụng cá heo để bảo vệ căn cứ hải quân bởi chúng sở hữu nhiều khả năng ưu việt.
Cá heo chiến binh bảo vệ căn cứ của quân đội Mỹ
www.tincongnghe.net
Giới thiệu cho bạn bè
  • gplus
  • pinterest

Bình luận

Đăng bình luận

Đánh giá: