Hãng nghiên cứu thị trường Counterpoint Research vừa công bố báo cáo về toàn cảnh thị trường smartphone toàn cầu trong 3 tháng thuộc quý I/2024. Theo đó, thị trường smartphone toàn cầu đã tiêu thụ được 301 triệu sản phẩm, giảm 3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nguyên nhân chính của sự sụt giảm này được cho là vì suy thoái kinh tế toàn cầu và lạm phát gia tăng, khiến người dùng không còn mặn mà với việc mua sắm smartphone mới.
Theo báo cáo của Counterpoint Research, Samsung là hãng nắm giữ "ngôi vương" trên thị trường smartphone, khi chiếm 23,3% thị phần toàn cầu. Như vậy, Samsung đã giành lại vị trí số 1 trên thị trường smartphone sau khi bị Apple chiếm mất trong năm 2023.
Apple bị đẩy xuống vị trí thứ 2 trên thị trường di động trong quý I/2024, với 18,3% thị phần toàn cầu, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái.
3 cái tên đến từ Trung Quốc lần lượt chiếm các vị trí còn lại trong top 5 hãng smartphone lớn nhất thế giới, bao gồm Xiaomi (chiếm 13,8% thị phần), Oppo (chiếm 10,5% thị phần) và Vivo (chiếm 9,1% thị phần).
Báo cáo của Counterpoint Research cho biết phân khúc smartphone giá rẻ (dưới 200 USD) vẫn là phân khúc được người dùng yêu thích và lựa chọn nhiều nhất, chiếm đến 44% thị phần toàn cầu.
Các nhà nghiên cứu của Counterpoint Research dự đoán thị trường smartphone sẽ được phục hồi trong nửa sau năm 2024, với sự xuất hiện của nhiều mẫu smartphone "bom tấn" được yêu thích như smartphone màn hình gập Galaxy Z Fold mới của Samsung hay iPhone 16 của APple.
Thị phần Samsung tại thị trường Trung Quốc gần bằng 0%
Mặc dù Samsung đang là hãng smartphone đứng đầu toàn cầu về mặt doanh số, tuy nhiên, tại thị trường smartphone quan trọng nhất thế giới là Trung Quốc, thị phần của hãng công nghệ Hàn Quốc đã giảm về gần mức 0%.
Cụ thể, theo báo cáo của Counterpoint Research về thị trường smartphone Trung Quốc trong quý I/2024, hiện Vivo là hãng thống trị tại thị trường này với 17,4% thị phần, tiếp theo sau là Honor (16,1%), Apple (15,7%), Huawei (15,5%), Oppo (15,3%) và Xiaomi (14,6%). Trong khi đó, Samsung hiện chỉ chiếm chưa đến 0,8% thị phần tại quốc gia tỷ dân.
Đây là một bước sụt giảm khiến nhiều người phải bất ngờ, khi vào năm 2013, Samsung vẫn là hãng smartphone hàng đầu tại Trung Quốc, nắm giữ từ 20 đến 30% thị phần trên thị trường smartphone.
Samsung và Apple là những hãng thay nhau thống trị thị trường Trung Quốc trong một thời gian dài. Tuy nhiên, bắt đầu từ năm 2014, khi các hãng công nghệ Trung Quốc như Oppo, Huawei, Vivo… bắt đầu đặt chân vào thị trường smartphone, thị phần của Samsung và Apple đã liên tục bị sụt giảm.
Báo cáo của Counterpoint Research cho biết kể từ năm 2015, thị phần smartphone của Samsung tại thị trường Trung Quốc đã bị giảm xuống dưới 10% và kể từ năm 2018, thị phần của hãng công nghệ Hàn Quốc đã liên tục bị duy trì dưới mức 1%.
"Sự trỗi dậy" của các hãng smartphone Trung Quốc, với những ưu điểm về mức giá, mẫu mã, tính năng và cấu hình… đã khiến Samsung và Apple chật vật cạnh tranh tại Trung Quốc.
Trong khi Apple vẫn là thương hiệu được người dùng Trung Quốc yêu thích và có chỗ đứng trên phân khúc smartphone cao cấp, các mẫu smartphone của Samsung gặp nhiều khó khăn để cạnh tranh với sản phẩm Trung Quốc ở phân khúc tầm trung và giá rẻ.
Bên cạnh đó, sự ủng hộ của người dùng Trung Quốc với các thương hiệu nội địa càng khiến smartphone Samsung gặp khó khăn ở đất nước tỷ dân. Chẳng hạn các mẫu smartphone của Huawei đã không thể tìm chỗ đứng trên thị trường toàn cầu do ảnh hưởng từ lệnh cấm của chính phủ Mỹ, nhưng vẫn được yêu thích ngay tại Trung Quốc và nắm giữ thị phần rất lớn tại thị trường này.
Dù có chuyện gì xảy ra chăng nữa, chắc chắn Samsung sẽ không thể từ bỏ Trung Quốc, thị trường smartphone quan trọng nhất thế giới. Hãng công nghệ Hàn Quốc sẽ phải tìm những giải pháp để lấy lòng người dùng tại Trung Quốc, bao gồm việc ra mắt các mẫu sản phẩm dành riêng cho thị trường này.
Tuy nhiên, Samsung sẽ rất khó để tìm được chỗ đứng trên thị trường đất nước tỷ dân nếu như không thể cạnh tranh được với các mẫu sản phẩm từ các hãng smartphone nội địa.
Theo Counterpoint Research/SM