Tại sao Đài Loan ít thiệt hại dù xảy ra động đất mạnh?

Nằm trên Vành đai lửa Thái Bình Dương và thường xuyên hứng chịu động đất, Đài Loan đã chuẩn bị kỹ càng để ứng phó với loại thiên tai này.


Đài Loan hôm 3/4 hứng chịu trận động đất 7,4 độ, mạnh nhất trong 25 năm qua. Có ít nhất 9 người thiệt mạng và hàng trăm người bị thương. Các tòa nhà, đường sá bị hư hại và hàng chục công nhân ở các mỏ đá bị mắc kẹt. Giới chuyên gia cho biết, Đài Loan không hiếm các trận động đất mạnh nhưng thiệt hại xảy ra với 23 triệu cư dân của hòn đảo này được hạn chế tương đối nhờ sự chuẩn bị tốt.


Theo đánh giá, mức thiệt hại tương đối thấp này trái ngược với thiệt hại do những trận động đất mạnh ở nhiều khu vực khác.


Năm 2011, một trận động đất xảy ra ở Christchurch, New Zealand, khiến 165 người thiệt mạng. Động đất ở Nepal năm 2015 lấy mạng gần 10.000 người. Thảm họa động đất ở Pakistan năm 2005 giết chết gần 90.000 người và trận động đất năm 2010 tấn công đảo Hispaniola đã khiến 300.000 người Haiti thiệt mạng.


"Sự chuẩn bị ứng phó với động đất của Đài Loan thuộc loại tiên tiến nhất thế giới. Hòn đảo đã thực thi các quy định xây dựng nghiêm ngặt, triển khai mạng lưới địa chấn tân tiến và tiến hành các chiến dịch giáo dục cộng đồng rộng rãi về an toàn trong động đất", nhà địa chấn học Stephen Gao, giáo sư tại Đại học Khoa học và Công nghệ Missouri, cho biết.


Hình ảnh và video cho thấy các tòa nhà nghiêng ngả ở Hoa Liên, phía đông Đài Loan. Các công trình ngả ra đường phố, xung quanh là một ít gạch đá đổ nát, nhưng vẫn còn khá nguyên vẹn, trong khi cần cẩu và nhân viên cứu hộ đi lại xung quanh. Một số trường hợp, điều hòa vẫn gắn trên cửa sổ và nhiều cửa sổ vẫn còn nguyên vẹn.


Trường hợp này có thể là "sụp đổ tầng mềm", theo Christie Rowe, chuyên gia về về địa chất động đất tại Đại học McGill, Canada. "Đây là một trong những dạng hư hại công trình phổ biến nhất trong các trận động đất và thường gây ra tổn thất toàn bộ công trình", Rowe chia sẻ với tờ National Post.


Đài Loan hạn chế thiết kế tầng mềm sau thảm họa động đất năm 1999, nhưng đây có lẽ là những tòa nhà cũ không có các tầng dưới được gia cố. Tuy nhiên, do phần còn lại của cấu trúc tòa nhà đủ cứng cáp, kể cả khi xảy ra sụp đổ tầng mềm, khung nhà vẫn còn nguyên vẹn. Một công trình khung thép, dù tầng trệt sụp đổ, vẫn có thể đủ vững chắc để gần như đứng thẳng. Trong khi đó, Rowe cho biết, tòa nhà làm bằng gạch hoặc đá sẽ bị phá hủy hoàn toàn.


Có ba yếu tố quyết định mức độ thiệt hại của một trận động đất, theo Rowe. Đầu tiên là cường độ địa chấn - mức năng lượng mà trận động đất giải phóng. Trận động đất ở Haiti năm 2010 có cường độ 7,0 trong khi động đất ở Đài Loan hôm 3/4 là 7,4 độ và động đất ở Nepal là 7,8 độ.


Thứ hai là địa chất. "Ảnh hưởng từ vị trí đến mức độ thiệt hại cũng nhiều tương đương, thậm chí nhiều hơn", Rowe nhận định. Ví dụ, nếu được xây dựng trên nền đá cứng chắc, thành phố sẽ ít thiệt hại hơn khi động đất. Các sóng địa chấn đi qua mặt đất sau một trận động đất sẽ có biên độ nhỏ hơn trong nền đá so với trong đất ngập nước, đồng nghĩa sự rung chuyển tác động lên một tòa nhà trên bề mặt sẽ nhẹ hơn.


Thứ ba là cách xây dựng. Các tòa nhà hiện đại, tân tiến có nhiều khả năng đứng vững hơn khi xảy ra động đất. Chúng có thể uốn cong linh hoạt, nhưng ít có khả năng ngã đổ.


Nhiều nước đặt ra quy chuẩn xây dựng để đảm bảo các tòa nhà mới có thể chống động đất. Nhưng rất nhiều tòa nhà đã cũ và chưa được gia cố hay cải tiến. Đài Loan vốn nằm trong khu vực dễ xảy ra động đất và từ năm 1974, hòn đảo này đã đưa các quy định về chống động đất vào quy chuẩn xây dựng. Các quy định này cũng được cập nhật và củng cố nhiều lần kể từ đó (Những quy định khác tồn tại từ trước năm 1974).


"Đài Loan đã có tiêu chuẩn xây dựng rất cao trong suốt một thời gian rất dài", Rowe nhận định. Ông cho biết, dù động đất gây thiệt hại cho Đài Loan trong quá khứ, mức độ đó vẫn chưa là gì so với thiệt hại mà các nước khác sẽ hứng chịu trong cùng trận động đất.


Ngoài ra, Đài Loan còn phát triển hệ thống cảnh báo động đất tiên tiến và người dân có "văn hóa hiểu biết về động đất đáng kinh ngạc". "Họ biết phải làm gì, họ biết cách giúp đỡ lẫn nhau. Mọi người đều được chuẩn bị, từ những việc cần làm ở nhà cho đến ở trường, thành phố, trong cơ sở hạ tầng quy mô lớn, tất cả đều được phối hợp khá chặt chẽ", Rowe nói.


Tại sao Đài Loan có nhiều động đất?


Đài Loan nằm dọc theo Vành đai lửa Thái Bình Dương, đường đứt gãy địa chấn bao quanh Thái Bình Dương, nơi xảy ra đa số các trận động đất trên thế giới, theo Washington Post. Khu vực này đặc biệt dễ xảy ra rung chấn do sức căng tích tụ từ sự tương tác giữa hai mảng kiến tạo, mảng Philippine và mảng Á-Âu, có thể dẫn đến sự giải phóng đột ngột dưới dạng động đất.


Đứt gãy trong trận động đất Đài Loan là đứt gãy nghịch, nghĩa là một bên của đứt gãy di chuyển chèn lên bên kia. Dưới đại dương, nước bị xê dịch mạnh, có thể gây ra sóng thần.


Cảnh quan nhiều núi của Đài Loan có thể làm tăng sự rung chuyển đất, dẫn đến lở đất. Một số vụ lở đất như vậy đã xảy ra ở bờ biển phía đông Đài Loan, gần tâm chấn của trận động đất hôm 3/4, gần phía đông huyện Hoa Liên. Đất đá rơi xuống các hầm và xa lộ, nghiền nát xe cộ và khiến một số người thiệt mạng.


Thu Thảo (Tổng hợp)









Tai sao Dai Loan it thiet hai du xay ra dong dat manh?


Nam tren Vanh dai lua Thai Binh Duong va thuong xuyen hung chiu dong dat, Dai Loan da chuan bi ky cang de ung pho voi loai thien tai nay.

Tại sao Đài Loan ít thiệt hại dù xảy ra động đất mạnh?

Nằm trên Vành đai lửa Thái Bình Dương và thường xuyên hứng chịu động đất, Đài Loan đã chuẩn bị kỹ càng để ứng phó với loại thiên tai này.
Tại sao Đài Loan ít thiệt hại dù xảy ra động đất mạnh?
www.tincongnghe.net
Giới thiệu cho bạn bè
  • gplus
  • pinterest

Bình luận

Đăng bình luận

Đánh giá: