Alejandro Otero, người dân sống ở thành phố Naples, bang Florida, Mỹ, đăng trên mạng xã hội X rằng một vật thể đã "rơi thủng mái nhà và lao xuyên qua 2 tầng nhà", suýt đâm trúng con trai anh lúc 2h34 chiều ngày 8/3 (giờ địa phương). Vật thể là một ống trụ dài vài inch (1 inch bằng khoảng 2,5 cm) và nặng khoảng 0,9 kg. Nguồn gốc của vật thể vẫn chưa được xác định, nhưng Otero cho rằng đây có thể là một trong 9 khối pin đã cạn năng lượng và bị vứt bỏ khỏi Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS).
Trước đó, cũng trong ngày 8/3, một kệ kê hàng chứa pin của Cơ quan Thám hiểm Hàng không Vũ trụ Nhật Bản (JAXA) đã rơi trở lại khí quyển Trái Đất, phía trên Vịnh Mexico. Bị vứt khỏi trạm ISS vào năm 2021, số rác này khi đó được dự đoán sẽ cháy rụi trong khí quyển. Tuy nhiên, có vẻ một mảnh rác đã vượt qua được quá trình hồi quyển này.
Otero đã giao lại vật thể rơi trúng nhà mình cho NASA. "NASA hợp tác với chủ nhà để thu thập vật thể và sẽ phân tích nó tại Trung tâm Vũ trụ Kennedy thuộc NASA ở Florida sớm nhất có thể nhằm xác định nguồn gốc", Joshua Finch, phát ngôn viên NASA, nói với chuyên trang khoa học Live Science hôm 2/4. Sau khi các kỹ sư xác định nguồn gốc vật thể, Otero có thể đòi bồi thường tiền sửa chữa ngôi nhà của mình, nhưng quá trình này sẽ trở nên phức tạp nếu nó thuộc về JAXA.
Florida không phải là nơi duy nhất bị rác vũ trụ rơi trúng. 4 mảnh tên lửa đẩy Trường Chinh 5B của Trung Quốc đã rơi xuống Bờ Biển Ngà, Borneo và Ấn Độ Dương trong giai đoạn năm 2020 - 2022. Vào năm 2021 và 2022, các mảnh vỡ từ tên lửa SpaceX rơi xuống trang trại ở bang Washington và một trang trại khác ở Australia.
Các cơ quan vũ trụ trên thế giới đang nỗ lực theo dõi hơn 30.000 mảnh rác vũ trụ lớn nhất, nhưng nhiều mảnh khác quá nhỏ để có thể theo dõi. Các nhà khoa học đã đề xuất nhiều biện pháp dọn dẹp vùng không gian xung quanh Trái Đất như thu gom rác bằng lưới, cánh tay robot, hoặc phóng một sợi dây dài từ tàu vũ trụ khác để tóm lấy mảnh rác.
Thu Thảo (Theo Live Science)