Chu Vũ Đế trị vì dưới triều Bắc Chu từ năm 560 đến khi qua đời vào năm 578, ở tuổi 36. Ông được biết đến nhiều nhất khi xây dựng quân đội hùng mạnh, thống nhất miền bắc Trung Quốc sau khi đánh bại triều Bắc Tề. Tuy nhiên, nguyên nhân khiến vị hoàng đế này tử vong ở độ tuổi trẻ như vậy từ lâu vẫn là vấn đề gây tranh cãi. Một số sử gia băn khoăn liệu có phải ông bị đầu độc bởi kẻ thù hay không. Những người khác cho rằng ông chết vì bệnh tình chưa rõ.
Các nhà khảo cổ lần đầu phát hiện ngôi mộ của Chu Vũ Đế năm 1996. Ngôi mộ chứa hài cốt của vị hoàng đế, bao gồm hộp sọ gần như hoàn chỉnh, từ đó nhóm nghiên cứu có thể thu được ADN để tiến hành phân tích di truyền. "Nghiên cứu của chúng tôi giúp hồi sinh những nhân vật lịch sử", Pianpian Wei, trợ lý giáo sư khoa Bảo tàng học và Di sản văn hóa tại Đại học Phục Đán ở Thượng Hải, cho biết.
Theo nghiên cứu công bố hôm 28/3 trên tạp chí Current Biology, đó là hình ảnh một người đàn ông mắt nâu, tóc đen và nước da sẫm màu, tương tự người dân ở Bắc Á và Đông Á ngày nay. Nghiên cứu cũng xác nhận Wu là người Tiên Ti, một dân tộc du mục sống ở khu vực hiện nay là Mông Cổ và miền bắc Trung Quốc. Phân tích ADN cho thấy người Tiên Ti di cư từ miền nam tới miền bắc Trung Quốc, ở lẫn với người Hán. "Đây là một mẩu thông tin quan trọng giúp tìm hiểu người cổ đại phân bố như thế nào ở đại lục Á Âu và cách họ hòa nhập với người địa phương", Shaoqing Wen, nghiên cứu sinh tiến sĩ ngành khoa học khảo cổ ở Đại học Phục Đán, chia sẻ.
"Một số học giả cho rằng người Tiên Ti có ngoại hình khác lạ như râu rậm, sống mũi cao và tóc vàng. Phân tích của chúng tôi chỉ ra Chu Vũ Đế có những đặc điểm gương mặt đặc trưng của vùng Đông Á hoặc Đông Bắc Á", Wen nói.
Phân tích ADN mới cũng xác nhận nhiều khả năng Chu Vũ Đế chết do biến chứng đột quỵ. Phân tích này trùng khớp với sử sách mô tả Wu mắc chứng mất ngôn ngữ, không thể hiểu hay diễn đạt rành mạch do tổn thương não, mí mắt trũng xuống và dáng đi bất thường, triệu chứng đột quỵ tiềm ẩn.
Hiện nhóm nghiên cứu lên kế hoạch tiếp tục phân tích bằng cách nghiên cứu người dân từng sống ở Trường An, một kinh đô cổ đại ở tây bắc Trung Quốc. Đây là kinh đô của nhiều đời hoàng đế Trung Quốc trong hàng nghìn năm và nằm ở đầu phía đông của Con đường Tơ lụa, tuyến đường thông thương chủ chốt tồn tại từ thế kỷ 2 trước Công nguyên đến thế kỷ 15.
An Khang (Theo Live Science)