Thông tin được Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt nói trong bài phát biểu tại lễ kỷ niệm 40 năm ngày khánh thành công trình khôi phục và mở rộng lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt, sáng 23/3.
Theo Bộ trưởng trong 40 năm qua, Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt đã hoạt động an toàn. Cùng với thiết bị chính là Lò phản ứng hạt nhân, một hệ thống các phòng thí nghiệm chuyên ngành hiện đại được hình thành và đưa vào hoạt động, phục vụ nghiên cứu cơ bản và ứng dụng, đưa kỹ thuật hạt nhân và đồng vị phóng xạ phục vụ phát triển kinh tế.
Viện đã nghiên cứu công nghệ và điều chế các chất đồng vị phóng xạ, phát triển thành công các công nghệ sản xuất thuốc phóng xạ chẩn đoán và điều trị bệnh như thuốc phóng xạ chứa I-131, Tc-99m, P-32 và một số đồng vị khác.
Nhiều loại kit đánh dấu phóng xạ dùng trong chẩn đoán bệnh về não, ung thư xương, các bệnh lý về gan mật, bệnh Parkinson giai đoạn sớm, khối u thần kinh nội tiết... đã được nghiên cứu, sản xuất thành công. Hiện có 9 loại sản phẩm được đưa vào danh mục thuốc của Việt Nam; được Bộ Y tế chứng nhận đạt "Thực hành tốt trong sản xuất thuốc phóng xạ" WHO-GMP.
Theo Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt, đã có khoảng 17.500 Ci thuốc phóng xạ được điều chế cung cấp các loại cho các bệnh viện trong nước, phục vụ chẩn đoán, chữa trị cho khoảng 500.000 lượt bệnh nhân/năm.
Các nhà khoa học của Viện đã nghiên cứu, phát triển và ứng dụng thành công một số kỹ thuật hạt nhân và đồng vị để xác định nguyên nhân, cơ chế bồi lấp luồng tàu trong vùng cửa sông. Kỹ thuật này cũng ứng dụng để xác định tốc độ bồi lấp các hồ thủy điện, thủy lợi phục vụ đánh giá tuổi thọ và an toàn công trình; Xác định diễn biến bồi tụ các vùng ngập mặn ven biển; Xác định tốc độ xói mòn, suy thoái đất nông nghiệp; Xác định các hệ số khuếch tán và thời gian lưu của chất thải lỏng trong vùng biển ven bờ.
Các nhà khoa học đang nghiên cứu kỹ thuật từ các đồng vị bền vào xác định nhu cầu nước của cây trồng; truy xuất, xác thực nguồn gốc các sản phẩm nông nghiệp; nghiên cứu về biến đổi khí hậu...
Lò phản ứng hạt nhân TRIGA Mark-2 công suất 250 kWt được Mỹ xây dựng tại Đà Lạt từ năm 1963. Trước ngày 30/4/1975 toàn bộ các thanh nhiên liệu của Lò đã được tháo dỡ để chuyển về Mỹ nên Lò không còn khả năng hoạt động. Từ năm 1982, Liên Xô (cũ) đã giúp đỡ khôi phục và mở rộng lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt. Đến ngày 20/3/1984, lò phản ứng với tên mới là Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt được đưa vào vận hành với công suất danh định là 500 kWt, gấp 2 lần so với công suất của lò TRIGA trước đây.
Bảo Chi