Một nghiên cứu được công bố ngày 12/3 cho thấy đại dịch Covid-19 đã khiến tuổi thọ trung bình của người dân trên toàn thế giới giảm 1,6 năm trong hai năm 2020 - 2021.
Điều này đánh dấu sự đảo ngược đầu tiên trong thời kỳ tuổi thọ toàn cầu tăng cao kéo dài suốt hàng thập kỷ, theo các nhà nghiên cứu sàng lọc dữ liệu của Viện Đo lường và Đánh giá Sức khỏe (IHME) có trụ sở tại Mỹ.
"Với người lớn tuổi trên toàn thế thế giới, đại dịch Covid-19 có tác động sâu sắc hơn bất kỳ sự kiện nào xảy ra trong nửa thế kỷ qua, bao gồm cả xung đột và thiên tai", GS. Austin Schumacher, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết.
Trong một tuyên bố, ông cho biết trong giai đoạn 2020-2021, tuổi thọ trung bình của một người đã giảm ở 84% trong số 204 quốc gia và vùng lãnh thổ được phân tích.
Điều đó chứng tỏ những tác động tiềm tàng vô cùng tàn khốc của các chủng loại virus mới.
Các nhà nghiên cứu cũng ước tính tỷ lệ tử vong ở những người trên 15 tuổi tăng 22% đối với nam, và 17% đối với nữ trong thời gian này. Các thành phố ở Mexico, Peru và Bolivia là các nơi có tuổi thọ trung bình giảm nhiều nhất.
Các nhà nghiên cứu ước tính, Covid-19 là nguyên nhân gây ra hơn 15,9 triệu ca tử vong trong giai đoạn 2020-2021, bao gồm cả những ca nhiễm trực tiếp và gián tiếp.
Dẫu vậy, đây giống như một sự chuyển giao thế hệ, hay chuyển giao dân số giữa các quốc gia. Đó là bởi trong khi dân số của nhiều quốc gia giàu có và già hóa đã giảm, thì dân số lại tiếp tục tăng ở các quốc gia kém giàu có hơn.
GS. Schumacher cảnh báo điều này sẽ mang lại những thách thức xã hội, kinh tế và chính trị chưa từng có. Chẳng hạn như tình trạng thiếu lao động ở những khu vực nơi dân số trẻ đang bị thu hẹp, hay khan hiếm tài nguyên ở những nơi quy mô dân số đang tiếp tục mở rộng nhanh chóng.