Ý tưởng về xa lộ Liên Mỹ được đề xuất lần đầu tiên năm 1923 bởi Mỹ. Dù được xem như dự án lý tưởng để kết nối các quốc gia, một số ý kiến cho rằng đây có thể là cách tăng cường doanh số bán xe do Mỹ sản xuất và nhiều hàng hóa xuất khẩu sang châu Mỹ Latinh, theo IFL Science.
Năm 1924, nhà chức trách Mỹ mời 37 đại biểu từ châu Mỹ Latinh tới Washington DC để nghe kế hoạch. Sau nhiều năm thảo luận, họ đạt được thỏa thuận. Hiệp định về xa lộ Liên Mỹ được ký kết năm 1937 bởi Argentina, Bolivia, Canada, Chile, Colombia, Costa Rica, El Salvador, Guatemala, Honduras, Mexico, Nicaragua, Panama, Peru, và Mỹ. Tuy nhiên, quá trình xây dựng không tiến triển nhanh chóng. Vào đầu thập niên 1970, tổng thống Mỹ Nixon chia sẻ siêu cao tốc xuyên lục địa sẽ được hoàn thành ngay lập tức, nhưng công trình vẫn còn nhiều đoạn chưa hoàn thiện.
Trên thực tế, ngày nay, xa lộ Liên Mỹ chưa được nối liền hoàn toàn và không thể lái xe hết toàn bộ chiều dài của nó. Một khúc gián đoạn trên con đường nằm ở Darién Gap, dải đất dài 160 km nối Panama với Colombia. Bao bọc bởi rừng rậm và mưa theo mùa, không có con đường nào chạy qua Darién Gap.
Mỹ từng cam kết cung cấp phần lớn kinh phí để xây đoạn đường thuộc xa lộ Liên Mỹ chạy qua Darién Gap vào thập niên 1970 nhưng kế hoạch vấp phải sự phản đối kịch liệt của các nhà hoạt động vì môi trường do lo ngại đây sẽ là thảm họa đối với đa dạng sinh thái và cộng đồng thổ dân trong vùng. Trên hết, khu vực này là nơi lui tới thường xuyên của dân quân có vũ trang, những băng nhóm nguy hiểm và tội phạm buôn lậu ma túy, biến nó thành nơi cực kỳ nguy hiểm để đi qua.
Bất chấp chỗ gián đoạn này, xa lộ Liên Mỹ vẫn giữ kỷ lục thế giới Guinness dành cho "con đường dài nhất có thể chạy xe qua". Một đối thủ cạnh tranh khác cho danh hiệu này là đường xuyên Á 1 (AH1), tuyến đường dài nhất thuộc mạng lưới đường cao tốc xuyên Á với chiều dài 20.557 km từ thủ đô Tokyo của Nhật Bản tới biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Bulgary, xuyên qua Hàn Quốc, Trung Quốc, Đông Nam Á, Bangladesh, Ấn Độ, Pakistan, và Iran. Tuy nhiên, đây cũng không phải con đường liên tục. Không chỉ có vùng biển dài 942 km ngăn cách giữa Nhật Bản và Hàn Quốc, cư dân cũng không thể đi qua khu phi quân sự giữa Hàn Quốc và Triều Tiên.
Trong khi đó, xa lộ 1 của Australia là con đường dài nhất có thể lái xe toàn bộ và đường quốc lộ dài nhất, bao quanh rìa ngoài toàn bộ hòn đảo với chiều dài 14.500 km. Công trình giữ kỷ lục thế giới Guinness dành cho "con đường liên tục dài nhất".
An Khang (Theo IFL Science)