Dù phát triển mạnh ở Thái Bình Dương, cá voi xám đã vắng bóng ở Đại Tây Dương từ những năm 1700. Tuy nhiên, nhóm khảo sát trên không của Thủy cung New England phát hiện một con cá voi xám hôm 1/3 gần đảo Nantucket, bang Massachusetts, Mỹ, và chụp ảnh khi nó liên tục lặn xuống rồi nổi lên, Newsweek hôm 5/3 đưa tin. Thủy cung cho biết, có khả năng con cá voi xám này cũng đã xuất hiện ở Florida cuối năm ngoái.
Biến đổi khí hậu có thể là lý do khiến cá voi xám có dấu hiệu quay trở lại Đại Tây Dương. Con cá voi hôm 1/3 có thể đã đi qua Hành lang Tây Bắc - tuyến đường đi qua Bắc Băng Dương, kết nối Thái Bình Dương và Đại Tây Dương. Sự ấm lên toàn cầu khiến Hành lang Tây Bắc không có băng vào mùa hè, cung cấp tuyến đường tự do cho cá voi xám bơi vào Đại Tây Dương.
"Phát hiện mới nêu bật tầm quan trọng của các cuộc khảo sát. Chúng tôi đã đoán rằng sẽ thấy cá voi lưng gù, cá voi trơn, cá voi vây, nhưng đại dương là một hệ sinh thái biến động và bạn không bao giờ biết mình sẽ tìm thấy gì. Việc cá voi xám xuất hiện ở Đại Tây Dương cho thấy các loài sinh vật biển ứng phó với biến đổi khí hậu nhanh đến mức nào khi có cơ hội", Orla O'Brien, nhà khoa học tại Trung tâm Sinh vật Đại dương Anderson Cabot thuộc Thủy cung New England, cho biết.
Nước biển ấm lên khiến các chuyên gia khí hậu lo ngại nhiều vấn đề như bão mạnh lên, rạn san hô bị tàn phá và băng biển tan chảy. Biến đổi khí hậu cũng tác động đáng kể đến những loài cá voi khác ngoài cá voi xám. Ví dụ, cá voi trơn Bắc Đại Tây Dương, loài vật thuộc nhóm cực kỳ nguy cấp trong Sách Đỏ của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN), đang ngày càng nhỏ đi vì khí hậu ấm lên khiến thức ăn của chúng khan hiếm.
Thu Thảo (Theo Newsweek)