Trái Đất là nơi sinh sống của hơn 8 tỷ người và hàng triệu loài sinh vật khác nhau. Diện tích bề mặt Trái Đất lên đến hơn 510 triệu ki-lô-mét vuông. Thoạt nghe những thông số này, hẳn nhiều người sẽ nghĩ rằng Trái Đất là một hành tinh to lớn.
Tuy nhiên, trên thực tế, Trái Đất lại là một hành tinh khá bé nhỏ. Nếu chỉ tính riêng trong Hệ Mặt Trời, Trái Đất là lớn thứ 5/8 hành tinh, sau Sao Mộc, Sao Thổ, Sao Thiên Vương và Sao Hải Vương. Trái Đất chỉ lớn hơn Sao Hỏa, Sao Kim và Sao Thủy.
Vậy nếu so sánh kích thước Trái Đất với Stephenson 2-18, ngôi sao lớn nhất từng được con người phát hiện và biết đến, sẽ như thế nào? Một đoạn clip ngắn mô phỏng về tỷ lệ kích thước của Trái Đất và ngôi sao Stephenson 2-18 vừa được chia sẻ lên mạng xã hội sẽ cho bạn câu trả lời.
Đoạn clip bắt đầu với hình ảnh mô phỏng 3D của Trái Đất, với phông nền phía sau giống hình ảnh của một bông hoa. Tuy nhiên, khi video bắt đầu thu nhỏ, người xem bắt đầu nhận ra phía sau mô hình Trái Đất chính là hình ảnh mô phỏng của siêu sao khổng lồ Stephenson 2-18.
Chỉ trong một thời gian ngắn, hình ảnh Trái Đất đã bị biến mất và nhấn chìm hoàn toàn bởi kích thước của ngôi sao khổng lồ này và khi xem đến cuối video, nhiều người mới phải kinh ngạc khi nhận ra được kích thước khổng lồ của Stephenson 2-18.
Đoạn video so sánh kích thước của Trái Đất và ngôi sao Stephenson 2-18 đã "gây sốt" cộng đồng mạng và giúp nhiều cư dân mạng nhận ra rằng con người thật bé nhỏ và vũ trụ to lớn vẫn còn rất nhiều điều bí ẩn, kỳ thú chưa được khám phá.
Sao Stephenson 2-18 to lớn đến mức nào?
Stephenson 2-18, còn được gọi là Stephenson 2 DFK1, là một ngôi sao siêu khổng lồ đỏ thuộc cụm sao Stephenson 2, nằm trong chòm sao Thuẫn Bài, nằm cách Trái Đất khoảng 20.000 năm ánh sáng. Đây là ngôi sao lớn nhất trong vũ trụ mà con người từng biết đến.
Siêu sao khổng lồ Stephenson 2-18 được phát hiện bởi nhà thiên văn học người Mỹ Charles Bruce Stephenson vào năm 1990. Tên của nhà thiên văn học này đã được sử dụng để đặt cho cụm sao mở mà ông đã phát hiện ra.
Stephenson 2-18 có bán kính ước tính gấp 2.150 lần bán kính Mặt Trời. Trong đó, bán kính Mặt trời ước tính đạt 695.700km, gấp 110 lần bán kính Trái Đất, nghĩa là Stephenson 2-18 có bán kính gấp 236.500 lần bán kính Trái Đất. Khối lượng của ngôi sao này ước tính lớn hơn gấp 1 tỷ lần khối lượng Mặt Trời.
Ngoài kích thước khổng lồ, Stephenson 2-18 còn là một trong những siêu sao khổng lồ màu đỏ phát sáng nhất mà con người từng biết đến trong vũ trụ, với độ sáng gấp 200.000 lần so với Mặt Trời. Tuy nhiên, do khoảng cách từ ngôi sao này đến Trái Đất quá xa nên con người chỉ có thể quan sát nó bằng kính thiên văn.
Stephenson 2-18 cũng là một ngôi sao rất già, với khoảng 20 triệu năm tuổi. Các nhà khoa học dự đoán ngôi sao này sẽ kết thúc cuộc đời của mình trong một vụ nổ siêu tân tinh diễn ra trong vài triệu năm tới.
Theo UL/YN