Lời tòa soạn: Lần đầu tiên, Việt Nam có một bản quy hoạch tổng thể hạ tầng TT&TT, với định hướng phát triển thành hạ tầng thế hệ mới, đồng bộ các hợp phần, tạo dựng sự phát triển hài hòa, bền vững giữa các vùng và địa phương. Từ đó, tạo ra không gian phát triển mới cho đất nước, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển Chính phủ số, kinh tế số, và xã hội số. Xét trong quy hoạch tổng thể quốc gia, việc triển khai quy hoạch hạ tầng TT&TT được nhận định có vai trò quan trọng với sự phát triển tổng thể kinh tế xã hội Việt Nam. VietNamNet xin gửi tới quý độc giả tuyến bài về bức tranh hạ tầng TT&TT trong kỷ nguyên số. Phóng viên: Trước đây, đã có nhiều bản quy hoạch từng lĩnh vực riêng lẻ như viễn thông, bưu chính, công nghệ thông tin (CNTT)… Nhưng đây là lần đầu tiên có quy hoạch hạ tầng thông tin truyền thông, gồm rất nhiều lĩnh vực. Vì sao Bộ TT&TT lại xây dựng quy hoạch tổng thể này? Quy hoạch này đưa ra sẽ đáp ứng được nhu cầu phát triển ra sao, thưa ông?
Ông Trần Minh Tân: Trước đây, khi chưa có Luật Quy hoạch năm 2017, để đáp ứng nhu cầu và định hướng phát triển các lĩnh vực thiết yếu, trong giai đoạn 2011 - 2020, Bộ TT&TT đã chủ động xây dựng các quy hoạch cho riêng từng lĩnh vực: Quy hoạch bưu chính, viễn thông, truyền dẫn, phát sóng phát thanh, truyền hình, an toàn thông tin số quốc gia,...
Theo quy định tại Luật Quy hoạch, Thủ tướng Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho các bộ tổ chức lập quy hoạch ngành quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Bộ TT&TT được giao chủ trì xây dựng 2 quy hoạch ngành quốc gia. Cụ thể, Bộ TT&TT sẽ xây dựng Quy hoạch hạ tầng TT&TT thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch phát triển mạng lưới cơ sở báo chí, phát thanh, truyền hình, thông tin điện tử, cơ sở xuất bản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Việc triển khai lập Quy hoạch hạ tầng TT&TT cũng là để cụ thể hóa chiến lược của Đảng, đảm bảo sự phát triển của hạ tầng TT&TT phù hợp với xu hướng chung của thế giới và điều kiện cụ thể của Việt Nam; phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia và các quy hoạch ngành quốc gia có liên quan đến hạ tầng TT&TT; đồng thời cũng để phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước.
Do việc lập quy hoạch mang tính tổng thể nên để đáp ứng được nhu cầu phát triển và biến động nhanh chóng của công nghệ, sự đa dạng của các loại hình dịch vụ TT&TT, các hợp phần liên quan đến cơ sở hạ tầng kỹ thuật cần phải được tích hợp trong Quy hoạch hạ tầng TT&TT thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Vì vậy, các hợp phần của quy hoạch hạ tầng TT&TT đã bao hàm đầy đủ cả hạ tầng truyền thống (hạ tầng vật lý) và hạ tầng mới (hạ tầng mềm) với quan điểm hạ tầng TT&TT là hạ tầng của các hạ tầng quốc gia, đóng vai trò tạo lập không gian an toàn, tin cậy cho phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Viện Chiến lược TT&TT là đơn vị được Bộ TT&TT giao chủ trì xây dựng Quy hoạch hạ tầng TT&TT thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 này.
Tư tưởng xuyên suốt của Quy hoạch hạ tầng TT&TT là gì thưa ông?
Tư tưởng xuyên suốt của Quy hoạch hạ tầng TT&TT được thể hiện rõ trong quan điểm của quy hoạch. Cụ thể, quy hoạch được lập phải đáp ứng được nhu cầu phát triển dài hạn, có tính mở, đảm bảo sự phù hợp, đón đầu đáp ứng các công nghệ mới trong tương lai. Ngay trước mắt, hạ tầng TT&TT phải đáp ứng là hạ tầng cho chuyển đổi số quốc gia, mở ra không gian phát triển mới cho kinh tế - xã hội, gắn kết sự phát triển trên không gian số với không gian phát triển vật lý truyền thống, tạo môi trường thuận lợi cho đổi mới sáng tạo để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Để đảm bảo được điều đó, hạ tầng TT&TT phải là một chỉnh thể thống nhất, hình thành trên cơ sở liên kết giữa mạng bưu chính, hạ tầng số, hạ tầng công nghiệp công nghệ thông tin, các nền tảng chuyển đổi số quốc gia và hệ thống bảo đảm an toàn thông tin mạng, an ninh mạng, tạo lập môi trường an toàn tin cậy cho phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Đồng thời, để tăng tính chủ động, hạ tầng TT&TT phải được ưu tiên phát triển theo định hướng Make in Vietnam, sử dụng sản phẩm, giải pháp do người Việt Nam làm chủ, nhằm bảo đảm an toàn thông tin mạng, an ninh mạng và chủ quyền quốc gia.
Trong quá trình chuyển đổi số, các nền tảng số đóng vai trò mang tính quyết định, là công cụ để người sử dụng dễ dàng tham gia vào quá trình chuyển đổi số. Vì vậy, những quan điểm mới được đề cập đến trong quy hoạch là tập trung phát triển nền tảng số như một hạ tầng mới nhằm triển khai nhanh, toàn dân, toàn diện các hoạt động thiết yếu của xã hội trên môi trường số. Bổ sung thêm hạ tầng dữ liệu bên cạnh các hạ tầng truyền thống, khẳng định dữ liệu là tài nguyên, là nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tạo ra vùng động lực mới và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Ưu tiên nguồn lực phát triển điện toán đám mây, đưa Việt Nam trở thành một trong những trung tâm dữ liệu khu vực. Cùng với đó, công nghiệp công nghệ số cũng được xác định là ngành công nghiệp nền tảng, cần có cơ chế chính sách đặc biệt để thúc đẩy phát triển.
Như vậy có thể nói rằng, Quy hoạch hạ tầng TT&TT là quy hoạch mang tính đồng bộ, công nghệ hiện đại theo định hướng chia sẻ dùng chung, tích hợp quy hoạch hạ tầng viễn thông quốc gia, kế thừa hợp lý hạ tầng TT&TT đã được đầu tư phát triển, gắn kết chặt chẽ với các hạ tầng kinh tế - xã hội vật lý và tạo ra các thực thể số tương ứng trên không gian số.
Những lĩnh vực nào sẽ bị tác động mạnh nhất từ quy hoạch này thưa ông?
Một trong những quan điểm xuyên suốt của quy hoạch là nhấn mạnh đến tính thống nhất, liên kết chặt chẽ của các hợp phần hạ tầng TT&TT gồm: Bưu chính, hạ tầng số, hạ tầng công nghiệp công nghệ thông tin, các nền tảng chuyển đổi số quốc gia và hệ thống bảo đảm an toàn thông tin mạng, an ninh mạng. Do vậy, đây cũng là 5 đối tượng, lĩnh vực chịu tác động của quy hoạch.
Cụ thể, mạng bưu chính được quy hoạch để hình thành mạng bưu chính công cộng cấp quốc gia gồm các Trung tâm Bưu chính khu vực và Trung tâm Bưu chính vùng. Quy hoạch mạng bưu chính có tính dự phòng nhằm bảo đảm chuỗi cung ứng toàn vẹn, không đứt gãy trong mọi trường hợp khẩn cấp.
Hạ tầng viễn thông được quy hoạch trở thành hạ tầng số với nội hàm mới, ngoài hạ tầng viễn thông băng rộng còn bao gồm hạ tầng điện toán đám mây, mạng Internet vạn vật.
Hạ tầng ứng dụng công nghệ thông tin trong quy hoạch được xác định tập trung vào phát triển các nền tảng số, có tính chất hạ tầng quy mô quốc gia, phục vụ Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, kết nối liên thông dữ liệu nâng cao năng lực cạnh tranh, hiệu quả quản trị quốc gia.
Trong lĩnh vực an toàn thông tin mạng, an ninh mạng, quy hoạch tập trung phát triển các hệ thống kỹ thuật, giải pháp, nền tảng bảo đảm an toàn thông tin mạng, an ninh mạng phục vụ Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số phát triển ổn định, bền vững, góp phần bảo đảm an ninh quốc gia; chú trọng triển khai các hệ thống, nền tảng bảo đảm an toàn thông tin mạng, an ninh mạng cho người dân và bảo mật dữ liệu, giao dịch điện tử trên môi trường mạng.
Trong lĩnh vực công nghiệp công nghệ thông tin, Quy hoạch hướng đến hình thành các khu công nghệ thông tin tập trung nhằm thiết lập các cụm liên kết ngành, nhóm sản phẩm chuyên môn hóa, hiệu quả cao và theo lợi thế của các địa phương, vùng, địa bàn trọng điểm.
Quy hoạch đã rất cụ thể rõ ràng. Tuy nhiên, việc thực hiện mới là yếu tố đảm bảo thành công những mục tiêu đã được đưa ra. Vậy, Bộ TT&TT sẽ xử lý vấn đề này như thế nào?
Bộ TT&TT cũng đã xác định ngay từ đầu là muốn quy hoạch đi vào cuộc sống thì phải làm sao để nội dung đưa ra trong quy hoạch đảm bảo tính khả thi cao nhất. Chính vì vậy, ngay trong quá trình xây dựng quy hoạch, Bộ TT&TT đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương và các doanh nghiệp có liên quan rà soát từng nội dung dự thảo, cân nhắc từng mục tiêu, phương án phát triển cụ thể được đề cập trong quy hoạch. Đồng thời, nhằm bảo đảm tính thống nhất trong cả hệ thống, Bộ TT&TT cũng đã xây dựng nội dung và có văn bản góp ý chi tiết, cụ thể trong quy hoạch tổng thể quốc gia, trong quá trình góp ý, thẩm định các quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, để đảm bảo các nội dung liên quan đến hạ tầng thông tin truyền thông trong mỗi quy hoạch nêu trên là đồng bộ với Quy hoạch hạ tầng TT&TT.
Do nội dung quy hoạch cũng đã có quy định các bộ, ngành bố trí nguồn lực, đề xuất các cơ chế chính sách để thực hiện hiệu quả các mục tiêu của quy hoạch; Chỉ đạo, hướng dẫn các doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp có vốn nhà nước xây dựng các chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh, bố trí nguồn vốn để thực hiện quy hoạch này, vì vậy, việc chủ động của các bộ, ngành sẽ đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc triển khai thực hiện quy hoạch thành công bên cạnh những nỗ lực, hỗ trợ của các đơn vị trực thuộc Bộ TT&TT. Bên cạnh đó, cũng rất cần các tập đoàn, doanh nghiệp thuộc lĩnh vực thông tin và truyền thông xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch, quy hoạch phát triển của mình phù hợp với quy hoạch đã được phê duyệt.
Về phần mình, để quy hoạch được triển khai theo đúng tầm nhìn và định hướng đã đề ra, Bộ TT&TT cũng đã giao cho cơ quan chủ trì lập quy hoạch xây dựng Dự thảo kế hoạch triển khai thực hiện quy hoạch này. Dự thảo cũng đang trong quá trình gửi xin ý kiến góp ý của các bộ, ngành, địa phương cùng các doanh nghiệp thông tin và truyền thông là đối tượng thực hiện chính và chịu tác động trực tiếp của quy hoạch để hoàn thiện trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong thời gian tới, làm sở cứ triển khai quy hoạch. Kế hoạch tổng thể sẽ xác định một số nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, lộ trình chi tiết để triển khai quy hoạch.
Cảm ơn ông!