Rùa sông Mary (Elusor macrurus) sống ở con sông cùng tên tại bang Queensland, Australia, chủ yếu ăn cây thủy sinh, nhưng đôi khi nó cũng ăn hạt, quả và ấu trùng côn trùng. Loài rùa này có hình dáng đặc trưng nhờ đám tảo màu xanh lá cây mọc ở đầu và thân giúp nó lẩn trốn động vật ăn thịt ở dưới nước. Nó cũng có gai thịt dài gọi là râu nhô ra dưới cằm, giúp nó cảm thụ môi trường xung quanh. Ngoài hình dáng khác thường, rùa sông Mary còn một đặc điểm khác thường nữa nằm ở lỗ huyệt.
Theo Rikki Gumbs, nhà nghiên cứu ở chương trình EDGE of Existence, sáng kiến bảo tồn tập trung vào những loài độc đáo ít được chú ý, rùa sông Mary có thể trải qua nhiều ngày dưới nước và thở trong môi trường này, điều rất ít loài bò sát làm được, qua cơ quan đặc biệt nằm bên trong lỗ huyệt. Lỗ huyệt thường gặp ở động vật có xương sống không có vú thông với đường ruột, sinh sản và đường tiết niệu.
Trong khi một số loài rùa nước ngọt sử dụng da để hô hấp dưới nước, dùng tuyến ở lỗ huyệt cho phép nó chìm dưới nước lâu hơn. Trong trường hợp rùa sông Mary, thời gian này có thể lên tới 72 giờ. Các tuyến gọi là túi ổ nhớp phủ đầy nhú gai, cấu trúc nhỏ nằm ở thành túi ổ nhớp. Oxy trong nước thẩm thấu qua nhú gai và đi vào mạch máu của rùa.
Rùa sông Mary cũng rất độc đáo. Không có loài rùa nào khác là họ hàng gần của nó. "Đây là loài còn sống duy nhất thuộc chi của chúng. Tổ tiên của rùa sông Mary được cho là tách khỏi tất cả dòng dõi rùa còn sống cách đây hơn 18 triệu năm, sớm hơn vài triệu năm trước khi tổ tiên loài người tách khỏi đười ươi", Gumbs cho biết.
Dù xuất hiện nhiều trong buôn bán sinh vật cảnh vào thập niên 1960 và 1970, sự phân bố của rùa sông Mary trong tự nhiên vẫn là bí ẩn đối với các nhà khoa học cho tới khi nó chính thức được mô tả như một loài năm 1994.
An Khang (Theo Live Science)