Chỉ vài năm trước, Trung Quốc còn hình dung mình cuối cùng sẽ thống trị cuộc đua AI toàn cầu bằng cách tận dụng kho dữ liệu khổng lồ của đất nước để phát triển các ứng dụng như nhận dạng khuôn mặt.
Những phát triển gần đây trong AI tạo sinh - sử dụng các mô hình lớn để sản xuất nội dung như văn bản, hình ảnh và video - đã thay đổi cán cân, khiến Trung Quốc một lần nữa trông giống như một kẻ tụt hậu.
Sora ra mắt ngày 16/2 trong bối cảnh Trung Quốc đối mặt với thách thức ngày càng lớn từ không được tiếp cận bộ xử lý đồ họa (GPU) tiên tiến của Nvidia do Mỹ leo thang các biện pháp hạn chế xuất khẩu. Những người chơi AI giỏi nhất trong nước đi sau vài năm so với các đồng nghiệp nước ngoài.
Zhou Hongyi, nhà sáng lập hãng bảo mật Internet 360 Security Technology, gọi Sora là "thùng nước lạnh dội xuống đầu Trung Quốc", trang tin Yicai đưa tin hôm 23/2. Ông cho rằng nó giúp cho nhiều người nhìn ra được khoảng cách giữa họ với những người dẫn đầu thế giới.
Hiện tại, OpenAI chưa công bố Sora cho công chúng. Nó không phải mã nguồn mở như một số mô hình trước đó. Chỉ có số ít người có quyền truy cập bản dùng thử Sora.
Tại Trung Quốc, Cục Quản lý Không gian mạng Quốc gia yêu cầu tất cả các mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) công khai phải đăng ký với chính quyền. Những tên tuổi lớn của thế giới như OpenAI, Google đều chưa chính thức cung cấp dịch vụ tại đây.
Sự vắng mặt này dẫn đến nhiều “ông lớn” công nghệ nội tranh giành vị trí trong thị trường với hơn 200 LLM. Baidu, Tencent và Alibaba đều đã giới thiệu LLM riêng.
Tuy nhiên, rất ít công cụ có thể sánh được với Sora, một phần vì chưa sử dụng kiến trúc Diffusion Transformer (DiT) mới. ByteDance – công ty mẹ tikTok – cho biết công cụ điều khiển chuyển động video nội bộ Boximator, được sử dụng để hỗ trợ tạo video, vẫn còn trong giai đoạn trứng nước và chưa sẵn sàng để phát hành hàng loạt.
Công ty này thừa nhận có khoảng cách lớn giữa Boximator với các mô hình tạo video hàng đầu về chất lượng hình ảnh, độ trung thực và thời lượng.
Thay vì bắt kịp Sora, một số doanh nghiệp trong ngành xem vấn đề cấp bách hơn là giành quyền truy cập mô hình của OpenAI. Song, các nhà lập pháp Mỹ đang tìm cách hạn chế Trung Quốc truy cập các dịch vụ đám mây AI của mình.