Đường hầm Seikan
Nối liền đảo Honshu và Hokkaido của Nhật Bản, đường hầm Seikan là hầm đường sắt dưới biển dài nhất thế giới. Công trình có nguồn gốc từ năm 1954, khi phà là phương tiện giao thông chính giữa hai đảo. Tuy nhiên, khi một trận bão mạnh cướp đi 1.430 sinh mạng ở eo biển Tsugaru năm 1954, các kỹ sư tìm kiếm giải pháp an toàn hơn. Sau khi cân nhắc thời tiết khó dự đoán, họ quyết định xây dựng đường hầm thay vì cầu nối hai đảo.
Đường hầm này hoàn thành vào năm 1988, trải dài 53,85 km và nằm ở độ sâu 240 m bên dưới mực nước biển. Đường hầm bao gồm hai nhà ga Tappi Kaitei trên đảo Honshu và Yoshioka Kaitei trên đảo Hokkaido. Đó là những ga đường sắt đầu tiên xây dựng dưới biển, đóng vai trò như điểm thoát hiểm khẩn cấp trong trường hợp thảm họa xảy ra. Ngày nay, đường hầm Seikan chủ yếu đón tàu chở hàng, biến nó thành trung tâm chủ chốt để vận chuyển hàng hóa nông nghiệp.
Đường hầm eo biển Manche
Đường hầm eo biển Manche dài 50,49 km và nối Folkestone ở Anh với Coquelles ở Pháp, nằm dưới eo biển cùng tên. Anh và Pháp hợp tác xây dựng đường hầm vào năm 1986, lựa chọn hầm đường sắt thay vì xây cầu dài hoặc kết hợp đường sắt - đường bộ nối giữa hai nước. Ban đầu, thủ tướng Anh khi đó là Margaret Thatcher muốn xây hầm đường bộ thay vì đường sắt. Tuy nhiên, hầm đường bộ được cho là quá nguy hiểm bởi giải cứu người mắc kẹt trong đống đổ nát cách bờ 24 km cực kỳ khó khăn.
Quá trình xây dựng bắt đầu ở cả hai phía của eo biển năm 1987 - 1988, kết thúc năm 1991 và đường hầm chính thức mở cửa vào ngày 6/5/1994. Ngày nay, đường hầm vận chuyển hơn 10 triệu hành khách mỗi năm và hơn 1,6 triệu xe tải trong dịch vụ đường sắt. Thiết kế của đường hầm eo biển Manche gồm hai hầm đường sắt và một hầm dịch vụ, giúp thúc đẩy giao thông hai chiều.
Hầm Aqua ở vịnh Tokyo
Hầm Aqua tích hợp đường sắt và đường bộ trong 9,6 km đường hầm, nối hai thành phố Kawasaki và Kisarazu ngang qua vịnh Tokyo ở Nhật Bản. Mở cửa vào ngày 18/12/1997, lộ trình của nó bao gồm nhiều đảo nhân tạo, cung cấp trải nghiệm di chuyển độc đáo. Với hai đường hầm dài 10 km (hầm Aqua) bên dưới vùng biển Kawasaki và một cầu dài 5 km (cầu Aqua) ở vùng biển Chiba, đường cao tốc gồm hai đảo nhân tạo, đặt ở nơi chuyển tiếp từ hầm sang cầu.
Ngoài ra, tháp thông gió mang tên Kazenotou nằm trên đảo nhân tạo ở phần giữa của đường hầm dưới biển. Trạm thông gió hình kim tự tháp Ukishima gần lối vào đường hầm bên Kawasaki giúp hoàn thiện thiết kế.
Đường hầm Ryfast
Nằm ở quận Rogaland, Na Uy, hệ thống đường hầm Ryfast bao gồm hai đường hầm với tổng chiều dài kết hợp là 14,3 km dưới biển. Hệ thống có hai đường hầm hai làn: đường hầm Solbakk hay Ryfylke chạy từ Solbakk tới đảo Hundvag ở Stavanger và đường hầm Hundvag nối Hundvag với hầm cao tốc dưới lòng đất. Là một phần của đường cao tốc E39, đường hầm Ryfast nối liền hai thị trấn Strand and Hjelmeland.
Quá trình xây dựng hệ thống đường hầm kéo dài một thập kỷ, đòi hỏi đào hơn 2,5 triệu m3 đá. Đường hầm Ryfast giữ kỷ lục hầm đường bộ dưới biển sâu nhất thế giới, đạt độ sâu 292 m bên dưới mực nước biển. Mở cửa năm 2020, hệ thống đường hầm đóng vai trò thay thế tuyến phà Høgsfjorden.
Eysturoyartunnilin
Khánh thành năm 2020, Eysturoyartunnilin hay còn gọi là đường hầm Eysturoy dài 11,2 km bên dưới vùng Bắc Đại Tây Dương. Công trình nối hai đảo lớn nhất trong quần đảo Faroe là Streymoy và Eysturoy. Ở điểm sâu nhất, đường hầm dưới biển này nằm ở 189 m bên dưới đáy biển. Đây là mạng lưới độc đáo gồm 3 đường ống, tuy nhiên, phần thú vị nhất là đoạn giao nhau đầy màu sắc ở trung tâm đường hầm, vòng xuyến dưới biển đầu tiên và duy nhất trên thế giới. Vòng xuyến này là một thành tựu kỹ thuật đặc biệt, được thắp sáng bằng đèn màu hút mắt cùng một bức tượng và có nhạc đi kèm.
An Khang (Theo Interesting Engineering)