Tàu vũ trụ đầu tiên quay quanh mặt trăng của hành tinh khác
Tên lửa Ariane 5 đưa Tàu thám hiểm các mặt trăng băng giá sao Mộc (JUICE) bay lên từ Kourou, lãnh thổ Guiana thuộc Pháp, lúc 19h14 ngày 14/4 (giờ Hà Nội). JUICE do Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) phát triển, tập trung nghiên cứu ba mặt trăng Ganymede, Europa và Callisto của sao Mộc. Con tàu có nhiệm vụ xác nhận sự hiện diện của các đại dương ngầm chứa nước lỏng trên các mặt trăng này, đồng thời tìm kiếm những điều kiện và thành phần cần thiết cho sự sống.
JUICE trang bị 10 công cụ khoa học, dự kiến mất khoảng 8 năm để tới sao Mộc. Có khoảng 500 - 1.000 nhà khoa học tham gia nhiệm vụ cùng các đồng nghiệp ở Mỹ và Nhật Bản. Đây là chuyến du hành đầu tiên của ESA tới vùng rìa ngoài hệ Mặt Trời, đánh dấu một khoảnh khắc quan trọng trong quá trình khám phá không gian của châu Âu. Con tàu cũng giúp cung cấp thông tin cho các nhiệm vụ thám hiểm mặt trăng tiếp theo.
Tên lửa methane đầu tiên trên thế giới phóng lên quỹ đạo
Tên lửa Zhuque-2 của công ty Trung Quốc Landspace cất cánh từ Trung tâm Phóng Vệ tinh Tửu Tuyền, sa mạc Gobi, lúc 8h ngày 12/7 (giờ Hà Nội). Các thông báo của Trung Quốc về việc tên lửa nhiên liệu methane Zhuque-2 lên tới quỹ đạo đã được Lực lượng Vũ trụ Mỹ xác nhận.
Zhuque-2 cũng tiếp tục trở thành tên lửa methane đầu tiên trên thế giới đưa ba vệ tinh Honghu, Honghu 2 và TY-33 lên quỹ đạo theo kế hoạch.
Dù là khí nhà kính, methane sạch và thân thiện với môi trường hơn RP-1 (dầu kerosene) tiêu chuẩn mà nhiều tên lửa sử dụng. Methane đốt cháy sạch hơn các nhiên liệu gốc carbon, giúp kéo dài tuổi thọ của động cơ, do đó phù hợp hơn với tên lửa tái sử dụng. Nhiều công ty Mỹ cũng đang nghiên cứu tên lửa nhiên liệu methane, bao gồm SpaceX với hệ thống phóng Starship hay Blue Origin với tên lửa New Glenn.
Zhuque-2 dài 49,5 m, có đường kính 3,35 m và khối lượng cất cánh 220 tấn chưa bao gồm hàng hóa. Thành công của mẫu tên lửa này mở ra kỷ nguyên mới cho methane trong lĩnh vực phóng vệ tinh/tàu vũ trụ thương mại.
Tàu Ấn Độ hạ cánh xuống gần cực nam Mặt Trăng
Trạm đổ bộ Vikram của tàu Chandrayaan-3 của Ấn Độ hạ cánh thành công xuống khu vực gần cực nam Mặt Trăng lúc 19h34 ngày 23/8 (giờ Hà Nội). Thành công này đưa Ấn Độ trở thành nước thứ 4 trên thế giới hạ cánh xuống bề mặt Mặt Trăng, chỉ sau Liên Xô, Mỹ và Trung Quốc, đánh dấu sự nổi lên của Ấn Độ trong vai trò một cường quốc vũ trụ mới.
Sau khi Vikram đáp xuống Mặt Trăng khoảng vài tiếng, robot Pragyan cũng bắt đầu rời khỏi trạm. Robot đã hoàn thành nhiệm vụ, trong đó có thực hiện chuyến đi bộ trên Mặt Trăng, xác nhận sự tồn tại của lưu huỳnh và phát hiện vài nguyên tố khác. Nó chuyển sang chế độ ngủ gần hai tuần sau cú hạ cánh ấn tượng.
Ấn Độ cũng làm nên lịch sử khi trở thành quốc gia đầu tiên đưa tàu đáp xuống gần cực nam Mặt Trăng. Thành công của Ấn Độ càng trở nên đáng chú ý trong bối cảnh tàu vũ trụ Luna 25 của Nga cũng đặt mục tiêu đáp xuống gần cực nam Mặt Trăng vào tháng 8, nhưng thất bại.
Cực nam Mặt Trăng cực kỳ khó hạ cánh nhưng được cho là vùng chứa nhiều nước nhất. Nước đóng băng trong các hố trũng tối tại đây có thể được chuyển thành nước uống, phục vụ cho phi hành gia tương lai. Các quốc gia cũng chú ý tới nguồn tài nguyên này vì nước có thể phân tách thành oxy và hydro, dùng làm nhiên liệu cho tên lửa và sản xuất oxy thở được.
Tàu NASA đưa thành công mẫu vật tiểu hành tinh về Trái Đất
Tàu vũ trụ OSIRIS-Rex của NASA phóng lên không gian vào ngày 8/9/2016 và tới tiểu hành tinh Bennu vào tháng 12/2018. Khi đó, Bennu là thiên thể nhỏ nhất có tàu vũ trụ bay quanh quỹ đạo. Ngày 24/9/2023, sau hành trình 6,2 tỷ km ngoài vũ trụ, OSIRIS-Rex hạ cánh xuống sa mạc Utah, Mỹ. Các nhân viên NASA và Không quân Mỹ đã thu hồi thành công khoang chứa mẫu vật tiểu hành tinh mà tàu vũ trụ OSIRIS-REx thu thập vào năm 2020. Nhiệm vụ đánh dấu lần đầu tiên NASA lấy mẫu vật tiểu hành tinh.
Khoang mẫu vật của OSIRIS-Rex chứa 250 g đá và vật liệu khác từ Bennu. Mẫu vật sẽ được chia cho nhiều viện và cơ quan vũ trụ trên thế giới. Việc nghiên cứu số vật liệu này có thể giúp giải đáp một số câu hỏi thiết yếu của các nhà khoa học về nguồn gốc sự sống trên Trái Đất và thuở sơ khai của hệ Mặt Trời.
NASA phóng tàu đến tiểu hành tinh 10 tỷ tỷ USD
Tàu vũ trụ Psyche của NASA cất cánh trên tên lửa Falcon Heavy của SpaceX từ Trung tâm Vũ trụ Kennedy hôm 13/10, hướng tới tiểu hành tinh giàu kim loại 16 Psyche. Tàu vũ trụ dự kiến tiếp cận 16 Psyche vào tháng 7/2029. Đây là nhiệm vụ liên hành tinh chính thức đầu tiên của Falcon Heavy và cũng là nhiệm vụ đầu tiên của NASA phóng bằng mẫu tên lửa này.
Trong số 9 tiểu hành tinh giàu kim loại tồn tại trong hệ Mặt Trời, 16 Psyche thuộc hàng lớn nhất, rộng 280 km và dài 232 km. Được phát hiện vào năm 1852, nó được xem như một trong những vật thể thú vị nhất ở vành đai tiểu hành tinh chính mà giới khoa học mới chỉ nghiên cứu được từ xa. Tiểu hành tinh này thu hút sự quan tâm lớn do bề mặt chủ yếu chứa niken và sắt, ước tính trị giá tới 10 tỷ tỷ USD.
16 Psyche được cho là phần lõi của một tiền hành tinh cổ đại. Giới nghiên cứu hy vọng việc kiểm tra kỹ thiên thể kim loại này có thể giúp con người hiểu rõ hơn về quá trình hình thành các hành tinh đất đá trong hệ Mặt Trời, gồm sao Thủy, sao Kim, Trái Đất và sao Mộc. Kể cả khi không phải lõi của tiền hành tinh, 16 Psyche vẫn rất thú vị với giới nghiên cứu do thuộc nhóm thiên thể nguyên thủy trong hệ Mặt Trời.
Thu Thảo (Tổng hợp)