Hơn 10.000 bài báo khoa học bị rút trong năm 2023

Số lượng bài báo bị rút khỏi tạp chí tăng mạnh trong năm nay nhưng các chuyên gia về liêm chính cho biết đây chỉ là phần nổi của tảng băng chìm.


Số lượng bài nghiên cứu bị rút trong năm 2023 vượt mốc 10.000, phá vỡ kỷ lục hàng năm, trong tình hình các nhà xuất bản tìm cách loại bỏ những bài báo giả mạo và gian lận. Trong số đó, Arab Saudi, Pakistan, Nga và Trung Quốc là một số nước có tỷ lệ bài báo khoa học bị rút lại cao nhất trong hai thập kỷ qua, theo phân tích của tạp chí Nature hôm 12/12.


Phần lớn bài báo khoa học bị rút trong năm 2023 đến từ các tạp chí thuộc sở hữu của nhà xuất bản Hindawi, chi nhánh ở London của nhà xuất bản Wiley. Tính đến năm nay, nhóm tạp chí của Hindawi đã thu hồi hơn 8.000 bài báo do nguyên nhân như "lo ngại quá trình bình duyệt bị dàn xếp" và "thao túng có hệ thống đối với quá trình bình duyệt và xuất bản". Kết quả kiểm tra từ biên tập viên nội bộ và chuyên gia liêm chính dấy lên nhiều câu hỏi đối với cách viết thiếu liền mạch cũng như trích dẫn tài liệu tham khảo không liên quan trong hàng nghìn bài báo.


Hầu hết bài báo bị rút bởi Hindawi đều có vấn đề đặc biệt: các bài báo thường bị xem xét hời hợt bởi biên tập viên khách mời. Điều này mang lại nhiều điều tiếng bởi những kẻ lừa đảo lợi dụng để xuất bản nhanh chóng bài báo giả mạo hoặc kém chất lượng.


Ngày 6/12 vừa qua, Wiley đã thông báo trong một hội nghị báo cáo tài chính trực tuyến rằng họ sẽ ngừng sử dụng thương hiệu Hindawi. Trước đó, Wiley đã đóng cửa 4 tạp chí thuộc Hindawi và dừng phát hành ấn phẩm đặc biệt vào cuối năm 2022. Wiley sẽ gộp các tạp chí còn lại dưới tên thương hiệu của chính họ.


Đa số bài báo bị rút của Hindawi là giả mạo nhưng vẫn được trích dẫn tổng cộng hơn 35.000 lần, theo Guillaume Cabanac, nhà khoa học vi tính ở Đại học Toulouse tại Pháp, người chuyên theo dõi vấn đề ở các bài báo, bao gồm cụm từ khó đọc (những lựa chọn từ ngữ kỳ quặc để tránh phát hiện đạo văn) và dấu hiệu bí mật sử dụng trí tuệ nhân tạo.


Số lượng bài báo bị rút đã tăng ở tốc độ vượt xa mức độ phát triển của bài báo khoa học. Tổng số bài nghiên cứu bị rút trên thế giới cho đến nay đã vượt mốc 50.000. Dù phân tích trước đây chỉ ra phần lớn bài báo bị rút do hành vi sai trái trong nghiên cứu, một số trường hợp là do tác giả phát hiện lỗi lầm không cố ý trong công trình của họ.


Để phân tích xu hướng, Nature phân tích dựa trên bộ Cơ sở dữ liệu lớn nhất thế giới chuyên theo dõi bài báo bị rút của tổ chức truyền thông Retraction Watch cho thấy, tỷ lệ bài báo khoa học đã xuất bản bị rút tăng gấp hơn 3 lần trong thập kỷ qua.


Trong số những nước xuất bản hơn 100.000 bài báo khoa học trong hai thập kỷ qua, phân tích của Nature cho thấy Arab Saudi có tỷ lệ rút cao nhất (30/10.000 bài báo), không bao gồm bài báo tại hội thảo. Nếu tính cả bài báo hội thảo, tỷ lệ rút lại từ Viện kỹ sư điện và điện tử (IEEE) ở New York sẽ đẩy Trung Quốc lên dẫn đầu với hơn 30/10.000 bài báo.


Theo kết quả phân tích, khoảng 1/4 tổng số bị rút lại là bài báo hội thảo và phần lớn bao gồm số lượng rút lại bởi IEEE. Đây là nhà xuất bản khoa học có tỷ lệ rút lại bài cao nhất với hơn 10.000 bài trong hai thập kỷ. Hầu hết các bài báo mà họ rút lại xuất bản trong năm 2010 - 2011.


Do đó, 50.000 bài báo khoa học bị rút lại trên khắp thế giới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Số lượng bài báo viết bởi những nhà kinh doanh bán công trình ma và quyền tác giả cho các nhà khoa học ước tính lên tới hàng trăm nghìn.


An Khang









Hon 10.000 bai bao khoa hoc bi rut trong nam 2023


So luong bai bao bi rut khoi tap chi tang manh trong nam nay nhung cac chuyen gia ve liem chinh cho biet day chi la phan noi cua tang bang chim.

Hơn 10.000 bài báo khoa học bị rút trong năm 2023

Số lượng bài báo bị rút khỏi tạp chí tăng mạnh trong năm nay nhưng các chuyên gia về liêm chính cho biết đây chỉ là phần nổi của tảng băng chìm.
Hơn 10.000 bài báo khoa học bị rút trong năm 2023
www.tincongnghe.net
Giới thiệu cho bạn bè
  • gplus
  • pinterest

Bình luận

Đăng bình luận

Đánh giá: