Tại Diễn đàn Năng suất Quốc gia năm 2023 chiều 12/12, ông Andrea Coppola, Trưởng ban kinh tế của Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá Việt Nam có mức tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững trong ba thập kỷ qua. Với mức GDP thực tế bình quân đầu người tăng 5,5% năm, "dù ở mức độ tăng trưởng ổn định hành trình phát triển này vẫn chưa hoàn thiện, còn kém nhiều so với nước thu nhập cao với mức tăng trưởng 10%", ông nói. Năng suất lao động, dù có cải thiện nhưng Việt Nam đang bị tụt lại - hiện mới ở mức 6,5 USD/giờ, thấp hơn so với nhiều quốc gia khác như Malaysia, Thái Lan, Indonesia hay Trung Quốc.
Cho rằng Việt Nam đối mặt với những yếu tố sản xuất đang "đuối sức" làm ảnh hưởng đến tỷ lệ tham gia thị trường lao động, bên cạnh ảnh hưởng của thâm dụng vốn. "Bởi vậy việc thúc đẩy tăng năng suất trở thành yêu cầu tiên quyết và cũng là chìa khóa để quốc gia đạt được mức thu nhập cao vào năm 2045", ông Andrea Coppola nhấn mạnh.
Ông khuyến nghị, Việt Nam cần phải tăng gấp đôi số lượng sinh viên tốt nghiệp đại học để đáp ứng nhu cầu dự kiến về lao động có trình độ. Ông dẫn số liệu cho thấy hơn 1/3 số người sử dụng lao động cho biết năng lực hạn chế của lực lượng lao động là thách thức chính trong việc áp dụng công nghệ mới. "Phần lớn các doanh nghiệp còn thiếu kỹ năng đổi mới, do đó cần nâng cao tiêu chuẩn sản xuất thông qua thúc đẩy ứng dụng công nghệ", ông Andrea Coppola nói. Ông gợi ý đầu tư vào kỹ năng số hóa, xây dựng nền tảng cơ sở chia sẻ dữ liệu và cung cấp hỗ trợ tài chính doanh nghiệp khởi nghiệp.
Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết Chiến lược phát triển kinh tế, xã hội 10 năm 2021-2030 đã đề ra mục tiêu tăng năng suất lao động xã hội bình quân đạt trên 6,5%/năm. Việt Nam cũng xác định quan điểm về đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng chuyển dần từ dựa vào gia tăng số lượng các yếu tố đầu vào của sản xuất dựa vào tăng năng suất, chất lượng lao động, ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. "Đây là những định hướng quan trọng nhưng còn nhiều thách thức", Bộ trưởng nhìn nhận.
Đề cập tới Khung chiến lược thúc đẩy tăng trưởng năng suất của Việt Nam, PGS.TS Vũ Minh Khương Trường Chính sách công Lý Quang Diệu, Đại học Quốc gia Singapore, chuyên gia Tổ chức Năng suất châu Á (APO) đưa ra mô hình 5E trong hoạch định và thực thi chiến lược gồm cảm xúc, thấu hiểu, cam kết, kỹ thuật/kế hoạch và tiến hóa/khai phá (E05). Ông cho hay việc tăng năng suất cần tập trung vào tăng năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) phát triển nguồn nhân lực và tăng vốn.
PGS Khương đưa ra 5 khuyến nghị chính sách cho Việt Nam, gồm: Thúc đẩy tư duy năng suất; Phát triển một chiến lược năng suất quốc gia mạnh mẽ thông qua các tiếp cận toàn diện, toàn quốc; Thành lập các tổ chức chuyên trách chịu trách nhiệm xây dựng, điều phối, khuyến khích và giám sát các sáng kiến trên toàn quốc nhằm thúc đẩy tăng trưởng năng suất ở mọi cấp độ; Khởi động nỗ lực nâng cao năng suất quốc gia để thu hút và huy động các nỗ lực trên toàn quốc nhằm tăng năng suất ở tất cả các cấp; Tạo động lực và khuyến khích những bước đi mang tính chiến lược, đột phá để tăng năng suất.
Tổng Thư ký Tổ chức Năng suất châu Á (APO) Indra Pradana Singawinata, đánh giá công cuộc phát triển của Việt Nam với động lực năng suất đối mặt với các thách thức như thiếu nguồn lực con người, khung thể chế chưa nhất quán đòi hỏi cần nền tảng nâng cao bền vững và thay đổi mạnh mẽ hơn.
Ông đề xuất tăng cường đầu tư nghiên cứu và phát triển (R&D) liên kết giữa cơ quan nghiên cứu và doanh nghiệp, hỗ trợ các hoạt động. Bên cạnh cải thiện nguồn nhân lực chất lượng, ông gợi ý hợp lý hóa yêu cầu thủ tục, tính minh bạch, xây dựng thể chế, sở hữu trí tuệ, hỗ trợ ngành mới nổi như công nghệ sinh học, chuỗi logistics, thúc đẩy chuyển đổi xanh. "Tổ chức Năng suất châu Á tiếp tục ủng hộ và hỗ trợ Việt Nam trong thúc đẩy nâng cao hiệu quả năng suất thông qua tư vấn chính sách, sáng kiến thông minh", ông nói.
Diễn đàn Năng suất Quốc gia năm 2023 chủ đề "Đẩy nhanh công cuộc phát triển của Việt Nam với động lực năng suất" do Bộ Khoa học và Công nghệ chỉ đạo, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thực hiện với sự bảo trợ của Tổ chức Năng suất châu Á. Diễn đàn thu hút gần 500 đại biểu là các nhà hoạch định chính sách, chuyên gia năng suất, các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp trong nước và quốc tế dự 4 hội thảo chuyên đề và một phiên toàn thể.
Như Quỳnh