Đây là dự án đầy tham vọng, đánh dấu cột mốc quan trọng đối với các sứ mệnh Artemis của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA).
Song trước khi chúng ta đặt chân lên Mặt Trăng, cơ quan vũ trụ Mỹ sẽ thực hiện sứ mệnh đưa tàu đổ bộ Peregrine do công ty Astrobotic phát triển, đến hành tinh này vào ngày 25/1/2024.
Đây là một phần trong Chương trình Dịch vụ Tải trọng Mặt Trăng Thương mại được NASA ủy quyền cho các công ty tư nhân để gửi các thí nghiệm khoa học và công nghệ lên Mặt Trăng.
Giám đốc điều hành Astrobotic, John Thornton, cho biết: "Chúng tôi sẽ mang theo các thiết bị nghiên cứu của NASA và các trung tâm nghiên cứu khác đến Mặt Trăng để nghiên cứu môi trường hành tinh này, từ đó là tiền đề cho các sứ mệnh có người lái trong tương lai.
Công nghệ tiên tiến
Sứ mệnh Peregrine được các chuyên gia đánh giá có thể giảm đáng kể chi phí khám phá Mặt Trăng. Đồng thời, nó đáp ứng những thách thức khoa học và kỹ thuật mới.
John Thornton nhấn mạnh, mục tiêu của sứ mệnh này là chúng tôi có thể hạ cánh trên Mặt Trăng với chi phí thấp hơn đáng kể so với sứ mệnh Apollo.
Tàu đổ bộ Peregrine có chiều cao khoảng 1,80 mét, dự kiến phóng vào ngày 24/12 từ Florida bằng tên lửa Vulcan Centaur của tập đoàn công nghiệp ULA.
Tự động toàn phần
Các thiết bị được mang lên Mặt Trăng bao gồm hệ thống máy quang phổ neutron, giúp tìm kiếm dấu hiệu của nước đóng băng và máy quang phổ truyền năng lượng tuyến tính, nó sẽ thu thập thông tin về độ phóng xạ trên bề mặt hành tinh.
Cuộc đổ bộ của con tàu sẽ đáp xuống khu vực cũng rất đặc biệt trên Mặt Trăng, nó mang đặc trưng với các dòng dung nham bazan cổ xưa, cung cấp kiến thức giá trị cho các nhà khoa học.
Thornton cho biết: "Sau khi con tàu cất cánh, nó sẽ mất vài ngày để đến quỹ đạo Mặt Trăng, dự kiến đến ngày 25/1 sẽ hạ cánh tại vị trí chỉ định".
Hành trình này hoàn toàn tự động, con tàu sẽ không cần bất kỳ sự can thiệp trực tiếp nào của con người trong quá trình hạ cánh. Tuy nhiên, sứ mệnh sẽ được giám sát chặt chẽ từ trung tâm điều khiển Astrobotic.
Việc giám sát liên tục này đảm bảo khả năng can thiệp kịp thời của các kỹ sư trong trường hợp xảy ra sự cố và giúp đội ngũ sứ mệnh thu thập dữ liệu chính xác trong suốt nhiệm vụ.
Tầm nhìn về nền kinh tế Mặt Trăng
Chương trình Dịch vụ Tải trọng Mặt Trăng Thương mại (CLPS) của NASA thể hiện một sáng kiến chiến lược nhằm thu hút các công ty vũ trụ tư nhân tham gia khám phá Mặt Trăng.
NASA sẽ ủy quyền cho các công ty vũ trụ thực hiện các sứ mệnh, điều này sẽ thúc đẩy sự đổi mới công nghệ và giảm chi phí vận chuyển hàng hóa lên Mặt Trăng thông qua việc cạnh tranh.
Mục tiêu cuối cùng của CLPS là phát triển cơ sở hạ tầng thương mại trên Mặt Trăng, mở đường cho các hoạt động kinh tế bền vững trong không gian.
Chris Culbert, Giám đốc chương trình CLPS, thừa nhận: "Mặc dù không phải tất cả các sứ mệnh đều thành công nhưng chúng đều đóng một vai trò quan trọng trong việc xây dựng nền kinh tế trên Mặt Trăng.
Chương trình cũng sẽ giúp thử nghiệm các công nghệ mới, tích lũy kiến thức và kinh nghiệm từ các sứ mệnh. Chúng sẽ góp phần phát triển hệ sinh thái Mặt Trăng, phục vụ cho việc thăm dò và khai thác trong tương lai.
Tác động của Peregrine đối với các nhiệm vụ của Artemis
Sứ mệnh Peregrine là một cuộc trình diễn công nghệ và tiền thân quan trọng cho các sứ mệnh Artemis của NASA.
Những sứ mệnh này nhằm mục đích thiết lập sự hiện diện lâu dài của con người trên Mặt Trăng. Do đó, sự thành công của Peregrine có ý nghĩa quan trọng trong việc xác nhận các công nghệ và chiến lược sẽ được sử dụng trong các sứ mệnh của Artemis tới đây.
Peregrine sẽ cung cấp dữ liệu về môi trường Mặt Trăng và chứng minh tính khả thi của việc hạ cánh tự động.
Nó còn giúp giảm thiểu rủi ro cho phi hành đoàn và tối đa hóa cơ hội thành công của các sứ mệnh Artemis.
Ngoài ra, những bài học rút ra từ Peregrine có thể được sử dụng trong việc thiết kế các sứ mệnh có người lái và robot trong tương lai, không chỉ tới Mặt Trăng mà còn có khả năng tới các điểm đến khác, bao gồm cả sao Hỏa.