Núi băng trôi A23a là một phần của thềm băng Filchner và là nơi tọa lạc của nhiều trạm nghiên cứu trong suốt thế kỷ 20, bao gồm trạm Druzhnaya 1 của Liên Xô. Nhưng năm 1986, khi thềm băng sụp đổ, nó tách ra và trôi lênh đênh, thay đổi vĩnh viễn vùng ven biển Nam Cực. Từ sau đó, A23a bị mắc vào đáy biển Weddell, nhưng tháng 8/2022, phần nối với đáy biển tan chảy và núi băng trôi bắt đầu hành trình hiện nay ngang qua biển Weddell, theo Andrew Fleming, chuyên gia cảm biến từ xa của Cơ quan khảo sát Nam Cực Anh.
A23a mất danh hiệu núi băng trôi lớn nhất thế giới hồi tháng 5/2021, nhưng giành lại danh hiệu này lần nữa vào tháng 10/2022 khi núi băng trôi giữ kỷ lục trước đó là A76 vỡ thành 3 mảnh. Hiện nay, nó đã di chuyển qua thềm băng Larsen và đang tiến vào vùng Nam Đại Tây Dương hiểm trở. Khi trôi nổi về phía đảo Nam Georgia, khối băng lớn ngang một thành phố nhiều khả năng sẽ giống như nhiều núi băng trôi trước đó, chậm rãi tan vào nước biển xung quanh.
Tuy nhiên, trên đường di chuyển qua Đại Tây Dương, A23a có thể đặt ra một số thách thức. Nguy cơ khi những núi băng trôi khổng lồ di chuyển vào hành lang băng trôi này là khi chúng mắc kẹt ở vùng nước nông gần đảo Nam Georgia, nơi sinh sống của chim cánh cụt và hải cẩu non. Nếu điều đó xảy ra, các loài động vật sẽ bị chặn mất đường ra biển và không thể tiếp cận nguồn thức ăn.
Bù lại, các nhà khoa học biết núi băng trôi có thể mang theo khoáng chất lấy từ đáy biển. Những khoáng chất đó có thể phân tán khi núi băng trôi tan chảy trong nước biển, cung cấp chất dinh dưỡng cho động vật hoang dã địa phương.
An Khang (Theo Business Insider)