Xây dựng thương hiệu giấm cô Tâm, đưa nông sản lên sàn của chàng kỹ sư trẻ

Không chỉ xây dựng thành công thương hiệu giấm cô Tâm, chàng trai trẻ Vũ Minh Ngọc còn hỗ trợ thanh niên và nông dân ứng dụng công nghệ số vào sản xuất cũng như đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử, các trạng mạng xã hội để bán hàng.


Kết hợp truyền thống với hiện đại tạo ra sản phẩm nông sản chất lượng


Tốt nghiệp Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội và trải qua nhiều công ty xây dựng nhưng anh Vũ Minh Ngọc (sinh năm 1991) lại chọn con đường về quê lập nghiệp từ nghề làm giấm truyền thống của gia đình tại làng Bách Cốc, xã Thành Lợi, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định.


Và Công ty TNHH Nông sản cô Tâm ra đời với một xưởng sản xuất nhỏ ngay tại gia đình. Anh vừa sản xuất vừa tự nghiên cứu, học hỏi, tìm đọc tài liệu về quy trình lên men giấm.


Đồng thời, anh đem mẫu sản phẩm đi thẩm định, đánh giá chất lượng, xin tư vấn của các chuyên gia tại các viện thực phẩm, các trường đại học, các nhà máy bia... để chuẩn hóa quy trình sản xuất và hoàn thiện nhãn mác “giấm cô Tâm” cho sản phẩm nông sản truyền thống của gia đình.


anh 2 bai giam.jpg
Vũ Minh Ngọc, Giám đốc Công ty TNHH Nông sản cô Tâm.

Lá trà xanh và quả mơ chính là hai nguyên liệu quan trọng làm nên hương vị của giấm mơ trà xanh. Chè sau khi đem về được chế sạch sẽ sau đó nấu lấy nước đặc. Lá chè khi đun lên vẫn phải giữ được màu xanh tự nhiên để tạo sự đồng đều cho giấm.


Chè sau khi đun xong sẽ được để nguội hạ bớt nhiệt xuống 30 đến 40 độ C rồi đưa vào chum ủ cùng với những nguyên liệu khác.


Một trong những bí quyết để lên men tự nhiên cho giấm cổ truyền mà không phải sử dụng phụ gia công nghiệp là những lọ mơ được ngâm ủ.


Mơ được ngâm cùng đường thô mật mía ít nhất 3 năm. Sau đó chắt nước mơ ra hoà trộn cùng nước chè xanh và men gốc, ủ trong 3 đến 4 tháng là sản phẩm có thể đem ra sử dụng được. Mơ má đào Tây Bắc, kết hợp với chè xanh bản địa đã gây ấn tượng với người tiêu dùng.


“Ngay từ thời gian đầu, chúng tôi đã xác định để đứng vững trên thị trường mình phải luôn luôn tìm tòi học hỏi. Bên cạnh những phương pháp truyền thống sẵn có, tôi phải tham vấn nhiều thông tin từ các khoa viện và các chuyên gia để mình hoàn thiện và nâng tầm sản phẩm của mình lên, minh bạch toàn bộ quá trình sản xuất của mình, con đường phát triển thương hiệu để người tiêu dùng hiểu và tiếp cận sản phẩm của mình cũng như xây dựng niềm tin cho khách hàng”, Giám đốc Công ty THHH Nông sản cô Tâm chia sẻ.


anh bai giam.jpg
Sản phẩm giấm cô Tâm được bày bán ở rất nhiều hội chợ trên toàn quốc.

Với khát vọng đưa sản phẩm nông sản chất lượng đến người tiêu dùng, suốt 4 năm qua, điểm đến của chàng kỹ sư xây dựng là những cửa hàng thực phẩm sạch, hoa quả sạch ở khắp các tỉnh, thành phố để chào hàng và học hỏi kinh nghiệm bán hàng, tạo chuỗi cung ứng cho sản phẩm.


Bằng sự kiên trì ấy, sản phẩm nông sản “giấm cô Tâm” đã có mặt tại chuỗi cửa hàng thuộc Hiệp hội Nông nghiệp sạch của tỉnh, các cửa hàng thực phẩm sạch, các chợ đầu mối, chợ truyền thống, nhà hàng, quán ăn ở nhiều tỉnh, thành trên toàn quốc.


Trên nền sản phẩm giấm mơ trà xanh truyền thống, Ngọc tiếp tục nghiên cứu phát triển thêm dòng sản phẩm giấm ngâm tiêu xanh, nước cốt mơ ngâm lâu năm cung ứng ra thị trường. Doanh thu của công ty năm 2022 đạt hơn tỷ đồng và tạo việc làm cho 40 lao động tại địa phương.


Ứng dụng công nghệ số để quảng bá sản phẩm nông sản


Tình yêu với ngôi làng cổ Bách Cốc và sự kế thừa nghề truyền thống gia đình là động lực cho Vũ Minh Ngọc xây dựng thương hiệu giấm mơ trà xanh gắn với làng cổ với ước mơ đưa sản phẩm cổ truyền của làng được đi xa hơn.


Hiện tại, công ty của Ngọc tiêu thụ cho bà con từ 30 đến 40 tấn mơ mỗi năm và 4 đến 5 tạ chè mỗi tháng. Sản phẩm đã có mặt ở nhiều tỉnh thành với sản lượng hàng nghìn chai/tháng. Giá bán chỉ 35.000 đồng một chai, bằng 1/5 đến 1/7 lần so với giá sản phẩm nhập cùng loại.


Trong thời gian tới, Ngọc dự định sẽ tập trung phát triển sản phẩm chủ lực giấm gắn với chỉ dẫn địa lý làng Bách Cốc và được bảo hộ, qua đó quảng bá lịch sử, văn hoá của làng để nhiều người biết đến.


Công ty đang hướng đến mục tiêu xuất khẩu, chuẩn hóa lại toàn bộ sản phẩm để đạt được tiêu chuẩn chất lượng mới, có điểm đặc biệt để có thể cạnh tranh trên thị trường quốc tế .


anh 1 bai giam.jpg
Thanh niên trong xã tập huấn về chuyển đổi số tại Công ty TNHH Nông sản cô Tâm.

Thời gian gần đây, Ngọc cùng các cộng sự đã tích cực livestream quảng bá sản phẩm nông sản trên mạng xã hội. Trong những thước phim mà Vũ Minh Ngọc chia sẻ trên kênh Youtube, Facebook và TikTok , hình ảnh hiện ra đơn sơ, giản dị nhưng cũng đầy sức hút.


Những câu chuyện về giấm mơ trà xanh của Ngọc luôn gắn liền với làng cổ Bách Cốc. “Đây là một ngôi làng cổ thuộc xã Thành Lợi, huyện Vụ Bản, Nam Định. Theo thần phả, từ thời Hùng Vương đã có 12 vị tổ xuôi theo dòng sông Bạch Hạc về đây khai hoang lập ấp, đặt tên là Bách Cốc với ý nghĩa là 100 loại lương thực, với mong muốn nhân dân luôn no đủ, hạnh phúc”, Ngọc cho biết.


Thinh thoảng Ngọc cũng mời chuyên gia đến xã tập huấn về chuyển đổi số cho thanh niên trong xã, giúp thanh niên bắt nhịp công nghệ số.


Với những thành tích đã đạt được, Vũ Minh Ngọc trở thành một trong 57 nhà nông trẻ xuất sắc năm 2021, được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tuyên dương trao tặng giải thưởng Lương Định Của vào đầu năm 2022.


Tại Đại hội toàn quốc lần thứ VII vừa qua, Ngọc được Trung ương Đoàn trao tặng huy hiệu thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác.


Tâm Tâm









Xay dung thuong hieu giam co Tam, dua nong san len san cua chang ky su tre


Khong chi xay dung thanh cong thuong hieu giam co Tam, chang trai tre Vu Minh Ngoc con ho tro thanh nien va nong dan ung dung cong nghe so vao san xuat cung nhu dua nong san len san thuong mai dien tu, cac trang mang xa hoi de ban hang.

Xây dựng thương hiệu giấm cô Tâm, đưa nông sản lên sàn của chàng kỹ sư trẻ

Không chỉ xây dựng thành công thương hiệu giấm cô Tâm, chàng trai trẻ Vũ Minh Ngọc còn hỗ trợ thanh niên và nông dân ứng dụng công nghệ số vào sản xuất cũng như đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử, các trạng mạng xã hội để bán hàng.
Xây dựng thương hiệu giấm cô Tâm, đưa nông sản lên sàn của chàng kỹ sư trẻ
www.tincongnghe.net
Giới thiệu cho bạn bè
  • gplus
  • pinterest

Bình luận

Đăng bình luận

Đánh giá: