Trong loạt bài phản ánh của Báo TinCongNghe, trên đường gom Đại lộ Thăng Long đoạn nút giao Thạch Thất, Quốc Oai, cách trung tâm Hà Nội khoảng 20km, từ lâu đã tồn tại khu chợ cóc tự phát chuyên bán chim trời, phục vụ những vị khách muốn ăn "đổi món", ham độc lạ, đặc biệt là dân nhậu. Dù chim trời được bán với giá bán cao chót vót, nhiều người vẫn chi tiền triệu để mua.
Theo ghi nhận của phóng viên TinCongNghe, tại đây bày bán đủ loại chim trời, kể cả loài hiếm có như cò hương, chim diệc, chim giang sen, vạc... Cả trăm lồng nhốt chim, vịt, gà bày la liệt trên vỉa hè, bốc mùi tanh hôi khó chịu. Mỗi khi khách dừng xe để mua hàng, các loại chim trong lồng quẫy đạp tán loạn.
Miếng ăn hủy hoại sức khỏe, phá vỡ đa dạng sinh học
Thực trạng săn bắt và buôn bán chim trời đã diễn ra trong nhiều năm qua, đặc biệt trong thời điểm mùa chim di cư diễn ra.
Chuyên gia Nguyễn Hoàng Hào, Viện Điều tra Quy hoạch rừng, Thư ký Hội Nghiên cứu và Bảo tồn chim hoang dã Việt Nam chia sẻ với phóng viên TinCongNghe: "Khi chúng ta tận diệt chim trời, làm biến mất thiên địch sẽ dẫn đến các loài côn trùng như sâu, bọ phát triển nhanh. Chúng ta sẽ phải dùng thuốc trừ sâu nhiều hơn. Đây chính là tác nhân gây ảnh hưởng đến sức khỏe của con người, tiềm ẩn nguy cơ mắc bệnh ung thư".
Theo chuyên gia, nhiều năm nay liên tục diễn ra tình trạng săn bắt chim trời, đặc biệt là vào những đợt di cư của chúng. Phần lớn đây là những loài chim hoang dã. Tình trạng người dân đánh bắt, buôn bán diễn ra công khai. Tại các nhà hàng, chúng ta có thể dễ dàng gọi những món ăn chế biến từ các loài chim này, song chính quyền địa phương vẫn chưa mạnh tay xử lý.
Thậm chí trên bàn nhậu còn có một số loài chim hiếm như cò hương, chim diệc, chim giang sen.
"Thời điểm này, ở nhiều địa phương, người dân đang tận diệt chim trời mạnh mẽ. Những đợt chim hoang dã này di cư theo đường bay Đông Á-Úc, một vòng quanh Thái Bình Dương, ước tính trên 500 loài. Thậm chí, ở miền Bắc có những loài chim bản địa sinh sống ngay tại các Vườn Quốc gia Việt Nam cũng được người dân săn bắt mạnh.
Điều này làm ảnh hưởng đến đa dạng sinh học, mất môi trường sống, đẩy nhiều loài vào sự đe dọa tuyệt chủng", chuyên gia Hào cho biết thêm.
Cần phải xử lý triệt để
Theo luật pháp hiện hành, các đối tượng kinh doanh, vận chuyển, mua bán trái phép chim hoang dã có thể bị xử phạt vi phạm hành chính, thậm chí xử lý hình sự.
Các chuyên gia cho rằng, để có thể ngăn trạng tình trạng này, đầu tiên là từ chính quyền địa phương cần phải quyết tâm vào cuộc xử lý nghiêm các trường hợp săn bắt, buôn bán chim trời. Do đây chính là lực lượng có thể giám sát nhanh và rõ địa bàn mình quản lý.
Bên cạnh đó, các nhà hàng, quán ăn buôn bán các loài động vật hoang dã cũng cần phải xử lý triệt để, đi cùng với ý thức từ phía người dân không ăn các món ăn chế biến từ động vật hoang dã hay mua chúng về làm cảnh do trên thực tế, những loài chim này không thể nuôi được.