Cây dừa biển coco de mer hay còn gọi là dừa đôi, thực chất là một loại cọ mọc trên các đảo Praslin và Curieuse thuộc quần đảo Seychelles. Mọi bộ phận của loài cây này đều lớn. Thân cây có thể cao đến 33,5 m, có lá dài hơn 9 m và trái cây lớn nhất từng được ghi nhận (nặng 41 kg). Có thể điểm độc đáo nhất của coco de mer là hạt giống thuộc hàng lớn nhất thế giới. Hạt cây có đường kính 50 cm và có thể nặng đến 25 kg, tương đương một con chó bull trưởng thành, theo IFL Science.
Cả kích thước và hình dáng đặc biệt khiến hạt coco de mer từ lâu thu hút cả du khách và những kẻ buôn lậu. Khác với những hạt giống được tạo ra để phân tán xa và rộng, hạt coco de mer gần như ngược lại. Chúng rơi từ cây mẹ xuống và ở nguyên tại chỗ, chờ cây mẹ chết. Sau đó, chúng có thể sử dụng dưỡng chất từ cây mẹ để phát triển. Quá trình đó cần khá nhiều thời gian bởi ước tính cây coco de mer sống hơn 200 năm. Ngay cả khi hạt nảy mầm, chúng có thể mất 15 - 50 năm để mọc thành cây và trưởng thành.
Tuy nhiên, cây coco de mer nằm trong danh mục nguy cấp ở Sách Đỏ của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN), với chỉ khoảng 8.000 cây trưởng thành còn lại trong tự nhiên. Đây được cho là kết quả của nạn thu hoạch quá mức.
Thông thường, một mối đe dọa lớn khác với loài nguy cấp là giao phối gần hay giao phối cận huyết, khiến vốn gene trở nên hạn chế và những đột biến có hại nhiều khả năng xảy ra hơn. Tuy nhiên, đây dường như không phải vấn đề đối với cây coco de mer bởi một nghiên cứu gần đây hé lộ việc phát triển từ hạt giống thành cây non dễ thành công hơn khi cây bố mẹ có họ hàng gần. Mang tên inbreeding euphoria, hiện tượng này có thể là kết quả do tiến hóa trên hòn đảo biệt lập.
Cây coco de mer và hạt giống cũng được bảo vệ tốt bởi nhà chức trách theo cả luật của quốc đảo Seychelles và luật quốc tế. Các cây được canh gác và thậm chí bọc trong lồng để tránh thợ săn trộm tìm cách ăn cắp hạt giống và bán với giá cao. Đường băng trắng cản lửa cũng được đặt quanh rừng cọ như một biện pháp phòng ngừa mối đe dọa tiềm ẩn từ hỏa hoạn.
An Khang (Theo IFL Science)