Thông tin được GS.TS Hoàng Thế Liên, Chủ nhiệm chương trình "Nghiên cứu Xây dựng và hoàn thiện thể chế tạo động lực phát triển nhanh và bền vững đất nước trong điều kiện mới" (mã số KX.05/21-30) nói tại hội thảo định hướng nội dung nghiên cứu, tổ chức sáng 15/11. Hội thảo do Ban Chủ nhiệm Chương trình KX.05/21-30 phối hợp với Văn phòng các Chương trình trọng điểm cấp nhà nước và Vụ Khoa học xã hội, nhân văn và tự nhiên, Bộ Khoa học và Công nghệ, tổ chức.
Theo GS Liên, thực tế thể chế được xây dựng nhưng vẫn có những điểm nghẽn, cần có cái nhìn tổng thể để giải quyết. Để làm được cần có nghiên cứu quy mô rộng, đảm bảo tính thống nhất và đồng bộ. Chương trình xác định mục tiêu nêu được danh mục điểm nghẽn trong từng lĩnh vực. Từ đó tìm ra hướng khơi thông điểm nghẽn, hoàn thiện thể chế để tạo động lực phát triển nhanh và bền vững.
Ở giai đoạn trước các chương trình KX đã đưa ra nhiều kiến nghị, chắt lọc từ các nhiệm vụ phục vụ soạn thảo Văn kiện Đại hội Đảng.
Theo GS Liên, các đề tài trong chương trình giai đoạn tới đặt chỉ tiêu ít nhất 20% nhiệm vụ có sản phẩm khoa học được gửi tới cơ quan của Đảng, phục vụ xây dựng dự thảo văn kiện Đại hội; 4% nhiệm vụ có sản phẩm được gửi cơ quan Nhà nước để xây dựng hoàn thiện, cơ chế chính sách và pháp luật để phục vụ phát triển mới của đất nước.100% nhiệm vụ có kết quả được công bố trên tạp chí khoa học, danh mục tạp chí khoa học có uy tín, ít nhất 2% nhiệm vụ có sản phẩm khoa học công bố tạp chí chuyên ngành quốc tế.
Giai đoạn 2016-2020, Chương trình khoa học trọng điểm cấp quốc gia có 6 chương trình thuộc lĩnh vực khoa học công nghệ (KC) và một thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn (KX).
Giai đoạn 2021-2030 Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt 12 chương trình KC và 5 chương trình KX. Các chương trình được tái cơ cấu dựa trên căn cứ chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm (2021-2030), lấy doanh nghiệp làm trung tâm, viện nghiên cứu và trường là chủ thể nghiên cứu, thu hút các nguồn lực xã hội.
Như Quỳnh