GS Võ Văn Tới bày tỏ ủng hộ với chính sách thu hút nhân tài khoa học được HĐND TP HCM thông qua hôm 11/11. Đây được cho là chính sách tạo động lực cho người tài yên tâm công tác.
Theo chính sách này, các chức danh lãnh đạo trong tổ chức khoa học và công nghệ công lập sẽ được hưởng thu nhập ưu đãi, cao nhất lên tới 120 triệu đồng một tháng. Cụ thể, có 4 mức lương cho người đứng đầu và cấp phó: mức 1 (120 triệu đồng cho cấp trưởng và 100 triệu cho cấp phó), mức 2 (100 và 85 triệu), mức ba (80 và 65 triệu), mức bốn (60 và 50 triệu). Tương ứng mỗi mức có yêu cầu riêng về số năm kinh nghiệm và số lượng đề tài, bằng cấp.
GS Tới nhìn nhận đây là mức thu nhập "không quá cao so với nước ngoài, nhưng khá hấp dẫn với nhà nghiên cứu trong nước".
TS Trịnh Xuân Thắng, Phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu triển khai, Khu công nghệ cao TP HCM đánh giá mức lương tháng tháng tối đa 120 triệu đồng khá cao so với mặt bằng chung của thành phố và cả nước.
So với mức lương của các chuyên gia top đầu về nghiên cứu phát triển (R&D) của các tập đoàn lớn ở cùng vị trí là thấp hơn. Các tiêu chí tuyển dụng của các công ty này cũng thấp hơn so với thành phố. Tuy nhiên, "với nhà khoa học làm việc ở khối công lập, mức lương này là cao và đủ sức hấp dẫn để thu hút họ", ông nói. Sắp tới TP HCM cần có các chính sách thu nhập không chỉ cho nhà khoa học mà dành cho các lĩnh vực khác, đóng góp cho sự phát triển thành phố.
Tuy nhiên cũng còn một số băn khoăn trong việc đánh giá hiệu quả. TS Thắng nêu thực tế, hiện cơ chế đánh giá nhiệm vụ khoa học công nghệ thường theo kết quả đăng ký, tức về đặc tính, hiệu suất của sản phẩm. Nhưng khi nghiên cứu về công nghệ mới, có thể sản phẩm của đề tài sẽ khác so với bản đăng ký ban đầu. Do đó, nên xem xét đánh giá hiệu quả đề tài dựa trên khối lượng và chất lượng công việc.
Về lâu dài, TS Thắng cho rằng thành phố có thể xem xét đánh giá hiệu quả công việc từng năm. Nếu nhà khoa học không hoàn thành thì hạ mức ưu đãi, nếu hoàn thành hoặc vượt mức thì có thể thưởng thêm. Ông kiến nghị có thể cho các trung tâm, đơn vị nghiên cứu trích một phần lợi nhuận từ việc thương mại hóa sản phẩm khoa học công nghệ để thưởng cho các chuyên gia, nhà khoa học.
Còn GS Võ Văn Tới nhìn nhận, thành phố từng có chính sách thu hút nhân tài về làm việc với mức lương cao nhưng không thành công. Nguyên nhân ông đánh giá do việc triển khai chỉ ở một số đơn vị nghiên cứu khu vực công. Quan trọng hơn, thành phố chưa có cơ chế giữ chân nhà khoa học. "Để giữ chân người tài không chỉ dừng lại ở tiền lương mà người tuyển dụng họ cần đặt ra tầm nhìn, chỉ tiêu rõ ràng để cùng với nhà khoa học đạt được mục tiêu đó", ông nói.
Trong nghiên cứu khoa học thường có rủi ro. Để tránh lãng phí nguồn lực, ông đề xuất TP HCM cần xây dựng cơ chế thử nghiệm (sandbox) để nhà khoa học tự do làm việc, có thể vượt lên các quy định hiện hành. Từ một thử nghiệm nhỏ thành công, sẽ có cơ sở tính toán để thử nghiệm quy mô lớn hơn. Với cơ chế thử nghiệm kết hợp lựa chọn đúng người tài để thực hiện đúng mục tiêu, ông tin rằng rủi ro sẽ giảm đi rất nhiều.
Để giữ chân nhà khoa học, khi họ làm tốt cần được tăng lương, đầu tư chế độ làm việc tốt hơn. Ngược lại khi không hoàn thành mục tiêu đề ra, họ cũng có thể bị sa thải, theo đúng quy luật thị trường. Chuyên gia này nhìn nhận, cơ chế rõ ràng, minh bạch sẽ giúp TP HCM thu hút và giữ chân được nhân tài.
Trả lời VnExpress, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP HCM Nguyễn Việt Dũng cho biết, trên cơ sở chính sách ưu đãi về lương cho nhà khoa học vừa được HĐND thông qua, Sở đang trình UBND thành phố đề án hỗ trợ hình thành các trung tâm nghiên cứu xuất sắc, đạt trình độ quốc tế. Sắp tới, các đơn vị nghiên cứu mạnh có mục tiêu trở thành trung tâm xuất sắc sẽ được hướng dẫn trình tự thực hiện. "Sở khuyến khích các đơn vị chủ động chuẩn bị chương trình nghiên cứu, kế hoạch cụ thể xây dựng trung tâm nghiên cứu xuất sắc. Khi chúng tôi công bố tuyển chọn, các đơn vị chủ động nộp hồ sơ đề xuất", ông Dũng nói.
Hà An