Khi đã an toàn ở nhà riêng, Muhammad Zulhilmi Mokhtar, một nông dân 26 tuổi, người Malaysia, nhớ lại màn đụng độ với "chúa sơn lâm" mà có lẽ anh sẽ không bao giờ quên.
Mọi chuyện xảy ra vào tối 13/11 ở một đoạn đường rừng vắng, thuộc huyện Gua Musang của bang Kelantan.
Muhammad lái chiếc xe máy của mình lúc khoảng 21h30, và đang trên đường đến làng Sungai Terah để chơi cầu lông với bạn. Bất chợt, một con hổ xuất hiện ở vệ đường.
"Có vẻ như nó đã phục kích từ trước", Muhammad nhớ lại. "Con hổ lao ra khỏi bụi cây bên phải đường, vồ lấy lốp trước xe máy".
"Tôi chỉ thoáng nhìn thấy con hổ trước khi sự việc xảy ra trong chớp mắt", Muhammad bàng hoàng kể lại.
Cú va chạm khiến cả Muhammad và con hổ mất phương hướng. Muhammad thì ngã khỏi xe, còn con hổ biến đi đâu mất.
Do quá kinh hãi, Muhammad đã bỏ lại chiếc xe, và chỉ biết cắm đầu chạy. Sau khi di chuyển quãng đường khoảng 100 mét, Muhammad tiến đến đường lớn, và được sự trợ giúp của một người đi đường.
Người này đưa anh tới Bệnh viện Gua Musang để điều trị. Tại đây, Muhammad được chẩn đoán có một vài vết trầy xước, và không ảnh hưởng tới sức khỏe.
Theo Hafid Rohani, Giám đốc Sở Động vật hoang dã và Công viên Quốc gia Kelantan, sự việc đang được điều tra và làm rõ.
Dấu lông con hổ được tìm thấy trên xe máy của nạn nhân đã được gửi đến phòng thí nghiệm để xác nhận xem con vật liên quan có thực sự là loài hổ đang có nguy cơ tuyệt chủng hay không.
Trước đó ít ngày, một nạn nhân là đàn ông, 42 tuổi, đã bị hổ vồ và tấn công tới chết tại một đồn điền cao su ở huyện Kampung Meranto, Kelantan.
Liên tiếp những vụ hổ tấn công được ghi nhận ở Malaysia đã khiến giới chức nước này vào cuộc mạnh tay để truy tìm những con hổ liên quan.
Bên cạnh đó, người dân cũng được khuyến cáo những khu vực hoạt động tiềm năng của hổ để không vô tình chạm mặt với chúng.
Hổ là biểu tượng quốc gia của Malaysia, và là mục tiêu bảo tồn ưu tiên số 1 của Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) nước này.
Vào những năm 1950, ước tính Malaysia còn tới 3.000 con hổ. Tuy nhiên, tình trạng mất môi trường sống do phát triển đô thị, mở rộng nông nghiệp và săn bắn tràn lan đã khiến quần thể hổ giảm xuống dưới 150 cá thể vào năm 2022.
Kể từ đó, hổ Malaysia (hay hổ Mã Lai) được bảo vệ hoàn toàn theo Đạo luật bảo tồn động vật hoang dã năm 2010, và được phân loại là Cực kỳ nguy cấp theo Sách đỏ IUCN về các loài bị đe dọa.
Theo
www.nst.com.my