Người Aztec cổ đại có thể sử dụng nhạc cụ hơi hình đầu lâu để tạo ra âm thanh chói tai "sởn gai ốc" trong khi tiến hành nghi thức hiến tế người. Được tìm thấy ở những di chỉ khảo cổ trên khắp Mexico, còi tử thần dấy lên nhiều giả thuyết, nhưng nhiều khả năng chúng được dùng để tôn vinh thần gió và cầu khấn điều kiện thời tiết thuận lợi từ việc hiến tế, theo IFL Science.
Bí ẩn về còi tử thần bắt đầu vào đầu thập niên 1970, khi nhà sử học José Luis Franco công bố phân tích đầu tiên về nhạc cụ đáng sợ này. Qua một số ví dụ khác nhau, Franco giải thích đa số còi trang trí hình đầu lâu, một số khác có hình cú. Trong văn hóa Aztec, cả đầu lâu và chim cú đều gắn liền với cái chết, dẫn tới suy đoán còi tử thần có liên quan tới thế giới bên kia.
Tuy nhiên, mãi đến năm 1999, một chiếc còi tử thần cuối cùng được phát hiện cùng bằng chứng hé lộ mục đích sử dụng nhạc cụ. Trong khi khai quật ngôi đền ở thành phố Tlatelolco của Aztec, các nhà nghiên cứu tìm thấy thi thể mất đầu của một người đàn ông là nạn nhân hiến tế, mỗi tay cầm một chiếc còi hình đầu lâu.
Người đàn ông trẻ khoảng 20 tuổi khi bị giết chết được tìm thấy ở ngay mặt trước ngôi đền thờ nữ thần Ehecatl, vị thần đại diện cho mưa gió. Tiếp tục khai quật, nhóm nghiên cứu phát hiện tổng cộng 41 hài cốt mai táng ở di chỉ, chứng tỏ người Aztec cho rằng cần hiến tế số lượng lớn linh hồn để cầu xin ân huệ từ nữ thần Ehecatl.
Theo nhà khảo cổ Salvador Guilliem Arroyo, người đầu tiên phát hiện hài cốt cầm còi tử thần, những nạn nhân có thể được hiến tế để xin trời đổ mưa trong trận đói lớn năm 1454. Nhiều khả năng còi tử thần được dùng để đánh thức linh hồn của thần Ehecatl thông qua mô phỏng tiếng gió trong suốt nghi thức hiến tế. Giả thuyết trên càng được củng cố bởi âm thanh của nhạc cụ, giống như kết hợp giữa tiếng hét chói tai và tiếng hú ngân dài.
Để xác định còi tử thần tạo ra âm thanh nhức óc đó như thế nào, kỹ sư cơ khí Roberto Velázquez Cabrera mất hàng thập kỷ phân tích và tái tạo chúng. Nghiên cứu của ông hé lộ gió thổi qua còi tiến vào hốc kín không có chỗ thoát, buộc nó phải thổi ngược lại và va chạm với không khí tràn vào. Kết quả là rung động khiến người nghe bất an. Theo Velázquez Cabrera, còi tử thần có khả năng thôi miên một số người nghe. "Nếu hai chiếc còi tử thần được thổi đồng thời, chúng có thể sản sinh rung động hạ âm, làm biến đổi trạng thái nhận thức như gây ra ảo giác", Velázquez Cabrera chia sẻ.
Dù vậy, Velázquez Cabrera nhấn mạnh nguồn gốc và mục đích sử dụng chính xác của còi tử thần vẫn là điều bí ẩn. Ngoại trừ hài cốt ở Tlatelolco, giới nghiên cứu không phát hiện ngôi mộ hay đồ cúng tế nào khác xác nhận quan hệ trực tiếp giữa còi tử thần và tập tục hiến tế.
An Khang (Theo IFL Science)