Space Walker, startup được Đại học Khoa học Tokyo chứng nhận, dự định phát triển máy bay vũ trụ tư nhân đầu tiên của Nhật Bản mang tên Eco Rocket, Interesting Engineering hôm 9/1 đưa tin.
Trước đó, Nhật Bản từng có một dự án máy bay vũ trụ nhưng bị hủy bỏ. Dự án diễn ra vào những năm 1980, Cơ quan Phát triển Không gian Quốc gia Nhật Bản (NASDA) và Phòng thí nghiệm Hàng không vũ trụ Quốc gia Nhật Bản (NAL), đã phát triển máy bay vũ trụ thử nghiệm Hope-X. NASDA và NAL hiện đều thuộc Cơ quan Thám hiểm Hàng không vũ trụ Nhật Bản (JAXA).
Hope-X được thiết kế để đưa đón phi hành gia lên xuống Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS). Đây sẽ là một trong những đóng góp chính của Nhật Bản cho trạm. Hope-X đã thực hiện thành công các chuyến bay thử nghiệm với mô hình thu nhỏ, nhưng dự án cuối cùng vẫn bị hủy bỏ vào năm 2003.
Vì vậy, nếu mọi việc diễn ra theo kế hoạch, Eco Rocket có thể trở thành máy bay vũ trụ hoạt động đầu tiên của Nhật Bản. Space Walker đã được cấp bằng sáng chế cho công nghệ đằng sau bình nhiên liệu lạnh composite nhẹ đầu tiên trên thế giới. Công ty này cũng nhấn mạnh giá trị của việc tái sử dụng, điều đã được chứng minh với tên lửa Falcon 9 của SpaceX. Tuy nhiên, Space Walker sẽ nỗ lực tăng tính bền vững khi Eco Rocket dự kiến sử dụng nhiên liệu sinh học methane hóa lỏng trung hòa carbon.
Space Walker là công ty tên lửa tư nhân đầu tiên nhận được đầu tư tư nhân từ JAXA. Tại triển lãm CES 2025 diễn ra ở Las Vegas, Mỹ, ngày 7 - 10/1, công ty đã đưa ra lộ trình phát triển ấn tượng cho hai thập kỷ tới.
Space Walker đặt mục tiêu thực hiện chuyến bay thử nghiệm đầu tiên, mang tên WIRES, ngay trong năm 2026. Năm 2028, công ty sẽ triển khai một vụ phóng khoa học cận quỹ đạo mang tên FuJin. Các chuyến du hành không gian cận quỹ đạo dự kiến diễn ra năm 2030. Đến những năm 2040, Space Walker muốn hiện thực hóa các chuyến du hành không gian vượt khỏi quỹ đạo.
Eco Rocket được phát triển cho mục đích du lịch cận quỹ đạo và nghiên cứu khoa học. Ngoài các chuyến bay chở khách, máy bay vũ trụ này có thể dùng cho thí nghiệm vi trọng lực, phóng vệ tinh, du hành từ điểm này đến điểm khác ngoài vũ trụ.
Thu Thảo (Theo Interesting Engineering)