Các nhà khảo cổ phát hiện khối u trong xương chậu của một cô gái chết cách đây hơn 3.000 năm trong lúc khai quật nghĩa địa North Desert ở thành phố cổ Amarna, Ai Cập, Live Science hôm 7/11 đưa tin. Gretchen Dabbs, nhà khảo cổ sinh học tại Đại học Nam Illinois Carbondale, cùng các đồng nghiệp công bố phát hiện hiếm có này trên tạp chí International Journal of Paleopathology.
Dựa vào việc khối u chứa hai chiếc răng và vị trí của nó trong vùng xương chậu, nhóm nghiên cứu kết luận đây là u quái buồng trứng. Đây là ví dụ cổ xưa nhất từng ghi nhận về u quái. Theo bệnh viện Cleveland Clinic, u quái có thể lành tính hoặc ác tính và thường được tạo thành từ nhiều mô khác nhau như cơ, tóc, răng hoặc xương. Chúng có thể gây đau đớn, sưng tấy và nhiễm trùng nếu vỡ. Hiện nay, phương pháp điều trị điển hình là loại bỏ khối u.
Trước đây chỉ có 4 trường hợp u quái được ghi nhận trong khảo cổ học, ba ở châu Âu và một ở Peru. Phát hiện mới là trường hợp thứ 5 trên thế giới và là trường hợp đầu tiên ở châu Phi.
Khối u quái có kích thước tương đương quả nho lớn. Cô gái mang khối u khoảng 18 - 21 tuổi, hài cốt bọc trong một tấm thảm làm từ sợi thực vật. Cô được chôn cất cùng nhiều đồ tùy táng, trong đó có chiếc nhẫn trang trí hình Bes, vị thần gắn liền với việc sinh nở, khả năng sinh sản và bảo vệ.
Chiếc nhẫn Bes cho thấy nhiều khả năng khối u quái đã bộc lộ triệu chứng, vì nó được đeo trên tay trái, bàn tay đặt trong lòng, phía trên khối u quái. Theo nhóm nghiên cứu, cô gái có thể đang cố gắng cầu khẩn Bes bảo vệ mình khỏi nỗi đau hoặc các triệu chứng khác, hoặc giúp đỡ mình trong nỗ lực thụ thai và sinh con.
Phát hiện mới rất quan trọng vì u quái rất hiếm khi được tìm thấy trong khảo cổ học, theo Allison Foley, nhà khảo cổ sinh học tại Đại học Charleston. Ngoài ra, nó cũng giúp các nhà nghiên cứu tìm hiểu thêm về cuộc sống ở Ai Cập cổ đại. Sự hiện diện, vị trí và tầm quan trọng của nhẫn Bes trong vai trò vật tượng trưng cho sự bảo vệ và khả năng sinh sản cũng rất thú vị.
Thu Thảo (Theo Live Science)