Khả năng chìm đắm trong suy nghĩ và sử dụng trí tưởng tượng để mơ mộng về những điều không có thật từng được xem là điều chỉ có ở con người. Tuy nhiên giờ đây, các nhà khoa học đang nghiêm túc xem lại lời khẳng định này.
Một nghiên cứu được công bố ngày 2/11 trên tạp chí Science cho thấy chuột có thể suy nghĩ về những đồ vật và địa điểm không tồn tại ở ngay trước mặt chúng.
Việc tưởng tượng ra những địa điểm nằm cách xa vị trí hiện tại của chúng ta là một phần của trí nhớ và gợi lên những tình huống có thể xảy ra trong tương lai. Nếu khả năng này tồn tại ở động vật, chúng có thể sở hữu cách thức tưởng tượng gần giống như chúng ta.
"Loài chuột thực sự có thể kích hoạt khả năng tưởng tượng ra các địa điểm trong môi trường xung quanh mà không cần trực tiếp đến đó", Chongxi Lai, đồng tác giả của nghiên cứu, kỹ sư và nhà thần kinh học tại Viện Y tế Howard Hughes, cho biết.
"Ngay cả khi cơ thể của nó cố định, suy nghĩ của nó có thể vươn tới một địa điểm rất xa, ở một không gian khác".
Để đi tới kết luận này, Lai và nhóm nghiên cứu tại Viện Y tế Howard Hughes, Maryland, Mỹ, đã thiết kế một loạt các thí nghiệm để xem liệu chuột có thể sử dụng suy nghĩ của mình để tưởng tượng việc đi tới một địa điểm cụ thể, hoặc di chuyển một vật thể ở xa hay không.
Họ sử dụng một thiết bị có tên là "máy dò suy nghĩ" thời gian thực. Hệ thống này có khả năng đo hoạt động của sóng thần kinh, rồi dịch ý nghĩa của nó sang dạng có thể quan sát dựa trên giao thức não-máy (BMI).
Với hệ thống BMI đã có, các nhà nghiên cứu đã xây dựng một "từ điển suy nghĩ", mô tả hoạt động của não của chuột khi nó di chuyển qua một hệ thống thực tế ảo (VR). Tại đây, nó có nhiệm vụ di chuyển trong một mê cung để tìm thấy đồ ăn đặt ở cuối con đường.
Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng chuột có thể kiểm soát chính xác và linh hoạt những hoạt động ở vùng hải mã (vùng có chức năng ghi nhớ và khả năng định hướng đường đi) của chúng.
Đáng ngạc nhiên, chúng thậm chí có thể duy trì hoạt động này và tập trung suy nghĩ vào một địa điểm nhất định trong vài phút. Về cơ bản, con vật đã sử dụng suy nghĩ của mình để tìm kiếm phần thưởng bằng cách nghĩ xem nó cần đi về hướng nào để tới đích.
Đây là một quá trình tương tự như việc ta tưởng tưởng về mọi thứ xung quanh khi đi làm, đi học, những tòa nhà, địa điểm mà ta sẽ đi qua. Những gì chúng ta sờ, nghe, thấy, được tổng hợp bằng sự tưởng tượng để tạo ra một "bức tranh toàn cảnh".
"Điều đáng kinh ngạc là cách chuột học được cách nghĩ về một không gian vốn không tồn tại trong một khoảng thời gian rất dài", Tim Harris, một đồng tác giả nghiên cứu cho biết.
Theo nhóm tác giả, nghiên cứu mới cho thấy BMI hoàn toàn có thể được sử dụng để phát triển các thiết bị hỗ trợ cho sự tưởng tượng của con người dựa trên những nguyên tắc tương tự.
Theo
www.popsci.com