Cơm chiên, hay cơm rang, từ lâu đã là món ăn quen thuộc với không chỉ người Việt, mà còn ở nhiều nơi trên thế giới. Nó là món ăn đậm đà, chế biến trong chảo dầu hoặc chảo rán, và thường được trộn với các thành phần khác như trứng, rau, hải sản, thịt...
Thế nhưng mới đây, một khái niệm mới được gọi là "hội chứng cơm chiên" đã xuất hiện trên mạng xã hội ở Mỹ và gây xôn xao cho dư luận. Đây thực ra là một câu chuyện về một thanh niên 20 tuổi qua đời năm 2008, được kể lại trên TikTok.
"Hội chứng cơm chiên" là gì?
Theo Science Alert, "hội chứng cơm chiên" đề cập tới vấn đề ngộ độc thực phẩm do một loại vi khuẩn có tên là Bacillus cereus, với nguy cơ xảy ra khi thực phẩm nấu chín để ở nhiệt độ phòng quá lâu.
Đối với trường hợp của sinh viên đại học 20 tuổi nêu trên, anh chàng này đã tử vong sau khi được cho là đã ăn mì spaghetti tự nấu. Điều đáng nói là nhân vật được giấu tên đã để mì trong tủ lạnh, rồi hâm nóng lại, và ăn 5 ngày sau đó.
Điều này khiến sinh viên nêu trên gặp bệnh về đường tiêu hóa do ăn thực phẩm không được bảo quản đúng cách, và tử vong ít lâu sau đó.
Trên thực tế, Bacilus cereus là một loại vi khuẩn tương đối phổ biến, được tìm thấy khắp nơi trong môi trường xung quanh chúng ta. Dẫu vậy, nó chỉ bắt đầu gây ra vấn đề cho sức khỏe nếu xâm nhập vào một số loại thực phẩm được nấu chín và không bảo quản đúng cách.
Thông thường, thực phẩm giàu tinh bột như gạo, mì ống, thường là nơi trú ẩn ưa thích của loại vi khuẩn này. Bên cạnh đó, rau và thịt nấu chín cũng là nơi chứa vi khuẩn tiềm năng.
Điểm đặc trưng của Baccilus cereus là nó có thể tạo ra một loại tế bào - gọi là bào tử - có khả năng chịu nhiệt rất tốt. Vì vậy, ngay cả việc đun nóng thức ăn thừa ở nhiệt độ cao cũng không thể tiêu diệt được những bào tử gây hại của loại vi khuẩn này.
Bào tử này về cơ bản là ít hoạt động, nhưng trong nhiệt độ và điều kiện thích hợp, chúng có thể phát triển và bắt đầu sản sinh ra những độc tố cho cơ thể.
Làm sao để tự bảo vệ mình?
Các triệu chứng nhiễm khuẩn Baccilus cereus bao gồm tiêu chảy và nôn mửa. Do sở hữu triệu chứng tương tự như các bệnh về đường tiêu hóa khác, nên mọi người thường có tâm lý chủ quan, và không tìm kiếm sự chăm sóc y tế.
Mặc dù bệnh từ nhiễm khuẩn Bacilus có xu hướng khỏi sau vài ngày, nhưng những người dễ bị tổn thương, chẳng hạn như trẻ em hoặc những người có bệnh lý tiềm ẩn, có thể cần được chăm sóc y tế nhiều hơn.
Cách tốt nhất để bảo vệ bản thân trước vi khuẩn Baccilus cereus là hạn chế để thức ăn thừa ở trong "vùng nguy hiểm" - được quy ước là khoảng nhiệt cao hơn nhiệt độ của tủ lạnh, và thấp hơn 60⁰C.
Theo đó, sau khi nấu chín một loại thực phẩm, nếu bạn có ý định giữ lại để ăn một vài ngày sau đó, hãy nhanh chóng làm lạnh thức ăn này thay vì đợi nó nguội.
Ngoài ra nếu có thể, hãy chia một suất lớn thành nhiều phần nhỏ hơn. Lý do là vì khi bạn đặt thứ gì đó vào tủ lạnh, cần có thời gian để cái lạnh thấm vào khối thực phẩm.
Việc chia ra những phần nhỏ hơn sẽ giúp ích cho việc này, đồng thời giảm thiểu thời gian khi bạn lấy thức ăn ra khỏi tủ lạnh.
Theo Enzo Palombo, Giáo sư Vi sinh tại Đại học Công nghệ Swinburne, Úc, bạn có thể tuân theo quy tắc 2 - 4 giờ.
Dựa trên quy tắc này, nếu thứ gì đó đã được lấy ra khỏi tủ lạnh tối đa 2 giờ, bạn có thể đặt nó trở lại một cách an toàn. Thế nhưng nếu để lâu hơn, hãy tiêu thụ ngay sau đó và vứt bỏ phần còn thừa.
Ngoài ra nếu thức ăn ở ngoài tủ lạnh lâu hơn 4 giờ, nó sẽ bắt đầu trở thành một mối nguy hiểm, và cần bị loại bỏ để tránh nguy cơ nhiễm các loại vi khuẩn độc hại.
Một câu ngạn ngữ nổi tiếng về an toàn thực phẩm cũng được áp dụng ở đây: Nếu bạn nghi ngờ, hãy bỏ chúng đi.
Theo
www.sciencealert.com