Ai là fan của đồ gia dụng Xiaomi khả năng cao đều đã biết đến những chiếc quạt thông minh của hãng. Từ khi xuất hiện chúng đã bán rất chạy ở Việt Nam kể cả khi chỉ là hàng xách tay. Mức giá hiện tại dao động khoảng gần 1 triệu đến hơn 3 triệu cho các đời khác nhau, có thể tích hợp thêm pin để dùng lúc mất điện.
Tuy nhiên, nếu đã mua về dùng, ai cũng sẽ nhận ra là quạt này quá yếu. Công suất của hầu hết các mẫu quạt Xiaomi đều chỉ khoảng 15 đến 25W, vài mẫu đời mới nhất thì lên đến gần 40W. Mức công suất thấp này được quảng cáo là để tiết kiệm điện năng nhưng thực tế cũng có nghĩa là quạt cực kì yếu, đặc biệt khi còn là động cơ DC, chỉ bằng 1 phần so với quạt truyền thống với động cơ công suất cao hơn cỡ khoảng 50 - 80W.
Thực ra, các đặc điểm nổi trội của quạt Xiaomi được quảng cáo hoàn toàn đúng sự thật, từ yên tĩnh, tiết kiệm điện đến gió êm ái. Chỉ là khi sử dụng thực tế, nhất là vào mùa hè mới thấy, mọi tính năng cao siêu, thiết kế nhỏ gọn đẹp mắt đều không còn quan trọng khi mà chúng ta không hề thấy mát, phải bật điều hòa liên tục mới đỡ nóng.
Sau 2 năm chịu đựng chiếc quạt Xiaomi yếu xìu, tôi đã quyết định ra siêu thị điện máy chọn mua 1 mẫu quạt khác mà chỉ quan tâm đến độ mát. Sau khi dùng thử 1 số mẫu có công suất khoảng 40 - 50W mà chưa vừa ý, tôi quyết định chọn mua loại của hãng Asia dưới đây, công suất đến 80W, cho sức gió rất mạnh với giá khuyến mãi chỉ 690.000đ, rẻ hơn nhiều các loại quạt thông minh trên thị trường.
Xét về thẩm mỹ thì quạt Xiaomi ăn đứt mọi phần. Quạt Asia thiết kế quá xấu, trông thô kệch như quạt công nghiệp.
Để chứng minh độ yếu của quạt Xiaomi, tôi đã dùng 1 chiếc máy đo gió chuyên dụng. Máy này có 1 cánh quạt nhỏ ở trên, khi có gió thổi qua sẽ hiển thị tốc độ gió dưới màn hình. Quả thật, khi bật mức cao nhất, quạt Xiaomi chỉ đạt mức gió khoảng 3m/s khi đặt xa 50cm. Trong khi đó, quạt Asia có thể đạt đến tốc độ gió 5.5 - 5.9m/s ở cùng 1 khoảng cách.
Khi ngồi cách xa quạt khoảng 1 mét, tốc độ gió từ quạt Xiaomi giảm nhanh xuống chỉ còn dưới 2m/s, trong khi quạt Asia vẫn ở mức 4 - 5m/s. Cảm giác gió từ quạt Asia gắt hơn, giật hơn và khó chịu hơn hẳn quạt Xiaomi nhưng thực tế, chỉ cần mát hơn, đỡ phải dựa dẫm vào điều hòa cả ngày đã là 1 điểm cộng cực lớn trong mùa hè này.
Chúng tôi cũng đã thử thêm với 1 số mẫu quạt thông minh khác nhưng là đời mới hơn, công suất cao hơn 1 chút. Cụ thể, mẫu quạt Xiaomi Smart Standing Fan 2 Lite công suất 38W có sức gió chỉ tầm 3.5m/s khi đặt xa 50cm. Trong khi đó, quạt Keheal F4 công suất chỉ 22W nhưng lại có thể đạt tốc độ gió 3.8m/s ở cùng khoảng cách. Cả 2 mẫu đều thua xa chiếc quạt điện cơ Asia truyền thống trên nhưng tính ra vẫn là cải thiện đáng kể so với quạt Xiaomi 2 năm tuổi cũ.
Chị Phương, nhân viên văn phòng tại Hà Nội chia sẻ, từng mua 1 mẫu quạt Xiaomi tích điện trị giá hơn 2 triệu đồng vì thấy nó đẹp và có thể mang theo dùng khi đi du lịch, cắm trại với gia đình. Tuy nhiên, thực tế thì với sức gió yếu, quạt chỉ đủ dùng trong phòng ngủ nhỏ và khi bật điều hòa, còn để ngoài phòng khách trong mùa hè thì gần như không thấy mát.
Chị Phương mua quạt Xiaomi vì đẹp, hợp với nội thất trong nhà và có tích điện chứ khả năng tạo gió thì rất kém so với giá tiền. (Ảnh: NVCC)
Anh D, 1 người dùng quạt Xiaomi khác cũng thấy vậy. Dù được tặng 1 chiếc rất đẹp, nhiều tính năng tiện lợi nhưng anh vẫn quyết định không mang về nhà dùng vì khả năng làm mát quá kém, chỉ hợp để tại văn phòng vốn đã luôn bật điều hòa.
Nói chung, dù có “mê” quạt Xiaomi (và các loại quạt thông minh, quạt tích điện công suất thấp từ Trung Quốc khác) thì vẫn nên cân nhắc thật kĩ xem nhu cầu của bản thân là gì. Nếu bạn sẵn sàng chi tiền để bật điều hòa suốt mùa hè thì chúng chắc chắn vẫn là lựa chọn tốt. Nhưng, nếu muốn tiết kiệm điện, hạn chế phụ thuộc điều hòa thì tốt nhất hãy chọn các loại quạt điện cơ truyền thống, công suất từ 50W trở lên cho chắc chắn.
Gợi ý 1 số loại quạt thương hiệu Việt gió mát, giá rẻ
Lấy link