“Tự cường công nghệ” để Việt Nam thành nước phát triển
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã chọn buổi làm việc đầu tiên của năm 2025 (2/1) để nói chuyện với lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thuộc Bộ TT&TT về định hướng phát triển trong giai đoạn tiếp theo và các nhiệm vụ trọng tâm năm 2025.
Xuyên suốt buổi nói chuyện, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nhiều lần bày tỏ mong muốn lãnh đạo các đơn vị phải dám nghĩ lớn, đừng bao giờ nghĩ Việt Nam nhỏ, đóng góp cho sự phát triển nhân loại thông qua việc xây dựng thương hiệu quốc gia. Điều này cho thấy tầm quan trọng của yếu tố nhân sự, con người trong triển khai nhiệm vụ cũng như sự ‘thông’ tư tưởng, nhận thức để đội ngũ cán bộ có thể làm việc tốt hơn.
“Trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, mỗi cá nhân phải lớn mạnh hơn, phải dám nghĩ đến việc lớn, dám nghĩ Việt Nam không nhỏ, dám nghĩ Việt Nam không nhược tiểu, dám nghĩ Việt Nam đóng góp cho sự phát triển của nhân loại. Sau đó, nhận lấy những việc lớn hơn mà làm. Tìm ra những cách làm để biến việc khó thành việc dễ”, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng yêu cầu.
Thực tế, ở lĩnh vực TT&TT, Việt Nam đang có những thứ đi đầu khu vực và cả trên thế giới, đơn cử như: Nằm trong top 15 quốc gia sớm ban hành chương trình chuyển đổi số, top 20 toàn cầu về an toàn an ninh mạng; nước thứ 2 trên thế giới công bố khung hạ tầng số quốc gia; có tỷ lệ xuất bản phẩm trên đầu người cao thứ 2 khu vực ASEAN; và đang là quốc gia quản lý các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới vào loại tốt nhất thế giới...
Với hình thức hỏi - đáp, người đứng đầu ngành TT&TT đã một lần nữa nhấn mạnh ý nghĩa, tầm quan trọng của những câu hỏi trong thời đại hiện nay, đồng thời lưu ý không nên đặt những câu hỏi quá to tát, nên hỏi những gì liên quan đến mình, có thể cái mình đang làm và cũng có thể là cái mình đang suy nghĩ.
Trước băn khoăn của Giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (PTIT) Đặng Hoài Bắc về định hướng xuất khẩu tri thức thông qua đào tạo, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng phân tích cặn kẽ từng hướng đi, khuyến nghị Học viện nên tập trung vào đào tạo trực tuyến, bởi đây là hướng đúng và có thể làm được: “Đào tạo online thì không cần giáo viên, không cần phòng thí nghiệm. Đây chính là một cửa để Việt Nam đi ra nước ngoài về đào tạo nhân lực. PTIT làm được việc này cũng chính là Việt Nam đóng góp cho sự phát triển của nhân loại”.
Nhấn mạnh quan điểm phải “tự cường công nghệ” để Việt Nam trở thành nước phát triển, người đứng đầu ngành TT&TT cho rằng ở góc độ đơn vị đào tạo, PTIT cần giáo dục tư tưởng cho sinh viên là ra nước ngoài làm để lấy kinh nghiệm, và sau đó về nước lập nghiệp, góp sức phát triển đất nước.
Yêu sự đa dạng để tổ chức phát triển bền vững
Trong khoảng thời gian hạn hẹp của buổi trao đổi, qua việc giải đáp cặn kẽ gần 10 câu hỏi ở nhiều lĩnh vực của ngành, từ viễn thông, Internet, an toàn thông tin mạng, đến báo chí, xuất bản và thông tin đối ngoại, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng còn đưa ra nhiều lời khuyên cho các lãnh đạo các đơn vị về mô hình quản trị, kỹ năng cần có của người làm quản lý cũng như việc phải có niềm tin vào sức mạnh, năng lực của từng cá nhân trong tổ chức.
Giải đáp băn khoăn của lãnh đạo Cục Viễn thông, Trung tâm Internet Việt Nam về nội hàm khái niệm năng lực cạnh tranh số và phát triển IoT tại Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chỉ rõ, năng lực cạnh tranh số nghe có vẻ trừu tượng, nhưng đó chính là xếp hạng về hạ tầng số, hạ tầng dữ liệu, Chính phủ số, kinh tế số, an toàn an ninh mạng, tỷ lệ doanh nghiệp công nghệ số trên tổng số doanh nghiệp...
Hay về IoT, nếu xem xét từ một thiết bị IoT, ví dụ như camera giám sát, thì sẽ thấy được tầm quan trọng, tác động của các thiết bị IoT đang làm thay đổi xã hội; hay một loại IoT khác là smartphone cũng đang thay đổi hành vi của mỗi người.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng nhắc các lãnh đạo cơ quan, đơn vị trong Bộ TT&TT về sự kết hợp hài hòa giữa nhà nước và doanh nghiệp trong phát triển hạ tầng số, IoT: “Muốn dẫn dắt 1 quốc gia, những việc có tầm nhìn xa, mang tầm chiến lược thì không ai làm tốt hơn Nhà nước; những việc ngắn hạn không ai tốt hơn thị trường, doanh nghiệp”. Đồng thời, lưu ý rằng các lãnh đạo đơn vị đã làm gì thì phải làm đến mức tốt nhất.
Trước nỗi lo của ngành xuất bản về tác động bởi AI, người đứng đầu ngành TT&TT cho rằng, lĩnh vực xuất bản có thể học hỏi từ câu chuyện của ngành báo chí với truyền thông xã hội. Khi đó, từ chỗ bị cuốn theo, chạy theo mạng xã hội, báo chí đã quay về với giá trị cốt lõi là xác thực, chính xác, khách quan, là trách nhiệm giải trình. Báo chí sử dụng công nghệ của mạng xã hội để làm báo và coi mạng xã hội là môi trường để xuất hiện.
Vì thế, xuất bản phải giữ giá trị cốt lõi của ngành mình và sử dụng AI để hỗ trợ công việc, để nhà văn có nhiều thời gian hơn cho việc sáng tạo: “Sự xuất hiện của một công cụ, công nghệ mới, sẽ làm thay đổi nghề của mình; nhưng cũng cung cấp cho mình công cụ tốt để làm nghề. Và cái gì AI làm tốt thì con người không làm, dành thời gian để sáng tạo”.
Qua giải đáp trực tiếp các câu hỏi, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng đã khái quát, đưa ra lời khuyên chung cho người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong Bộ về vấn đề mô hình quản lý, quản trị nhân sự trong tổ chức.
Theo Bộ trưởng, bộ mới quản lý nhiều ngành, nhiều lĩnh vực tạo ra cơ hội rất lớn cho người đứng đầu cục, vụ để dẫn dắt lĩnh vực của đơn vị mình. Trách nhiệm sẽ nặng nề hơn, nhưng không gian hoạt động cũng rộng lớn hơn.
Đặc biệt lưu ý các lãnh đạo cục, vụ phải có niềm tin vào sức mạnh của mỗi cá nhân trong thời đại số, tận dụng được tri thức toàn cầu nhờ sự hỗ trợ của trợ lý ảo, người đứng đầu ngành TT&TT cũng đưa ra những việc lãnh đạo tổ chức cần làm để sử dụng được năng lực của nhân sự.
Cụ thể là, nghĩ ra việc thách thức, tin tưởng giao việc, chỉ cách để việc lớn thành nhỏ, việc khó thành dễ. Qua việc được tham gia và được hướng dẫn cách làm, mỗi nhân sự trong tổ chức sẽ trưởng thành dần lên.
Ngoài ra, những người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong Bộ TT&TT cũng được nhắc nhở, để tổ chức phát triển bền vững, cần coi việc trong đơn vị có từ 5 - 10% nhân sự nói khác lãnh đạo là bình thường.
“Sự đa dạng trong một tập thể lãnh đạo sẽ tạo ra sự phát triển bền vững và lâu dài cho tổ chức. Lãnh đạo cấp Cục trưởng nên chọn cấp phó là người khác mình, để có thể bù mình”, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nhắc nhở.