Phiên bản đầu tiên của "Khung tiêu chí và phương pháp đánh giá, xét công nhận mức độ chuyển đổi số cấp huyện và cấp xã", vừa được Bộ TT&TT ban hành, hỗ trợ các địa phương theo dõi, đánh giá kết quả thực hiện chuyển đổi số hằng năm của cấp huyện, cấp xã.
Khung tiêu chí mới ban hành được áp dụng cho các quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi chung là cấp huyện) và các xã, phường, thị trấn (gọi chung là cấp xã).
Theo Cục Chuyển đổi số quốc gia (Bộ TT&TT), "Khung tiêu chí và phương pháp đánh giá, xét công nhận mức độ chuyển đổi số cấp huyện và cấp xã", phiên bản 1.0, được xây dựng nhằm làm cơ sở để các địa phương xây dựng bộ tiêu chí và phương pháp đánh giá, xét công nhận mức độ chuyển đổi số cấp huyện và cấp xã phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương.
Từ đó, định hướng những hoạt động chuyển đổi số tại địa phương bảo đảm chất lượng, hiệu quả.
Việc xây dựng và ban hành khung tiêu chí cũng hướng tới hỗ trợ các địa phương đo lường mức độ chuyển đổi số cấp huyện và cấp xã.
Qua đó, làm cơ sở chỉ đạo khắc phục kịp thời những tồn tại, hạn chế, phát huy thế mạnh trong việc chuyển đổi số, nâng cao chất lượng quản lý, điều hành và phục vụ người dân của cơ quan nhà nước.
Song song đó, nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm của Thủ trưởng và cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của địa phương về chuyển đổi số; xây dựng các cơ quan điển hình, cá nhân tiêu biểu trong chuyển đổi số.
Các tiêu chí đánh giá mức độ chuyển đổi số cấp huyện và cấp xã đã được Cục Chuyển đổi số quốc gia xác định dựa trên những mục tiêu thuộc chương trình, chiến lược, kế hoạch của quốc gia về chuyển đổi số; nhu cầu, điều kiện thực tế tại địa phương và những chương trình chuyển đổi số ngành, lĩnh vực khác.
Cụ thể, khung tiêu chí đánh giá mức độ chuyển đổi số cấp huyện gồm 33 tiêu chí thành phần, với 1 tiêu chí chung; 22 tiêu chí chính quyền số, 6 tiêu chí kinh tế số và 4 tiêu chí xã hội số.
Trong khi đó, khung tiêu chí đánh giá mức độ chuyển đổi số cấp xã có 38 tiêu chí thành phần, gồm 24 tiêu chí chính quyền số, 5 tiêu chí kinh tế số và 9 tiêu chí về xã hội số.
Bộ TT&TT cũng hướng dẫn rõ các địa phương về 5 mức độ chuyển đổi số, phương pháp đánh giá cùng quy trình đánh giá, xét công nhận chuyển đổi số cấp huyện và cấp xã.
Theo hướng dẫn, dựa trên bộ tiêu chí và phương pháp đánh giá, xét công nhận mức độ chuyển đổi số cấp huyện và cấp xã do UBND các tỉnh, thành phố ban hành, các địa phương sẽ tiến hành đánh giá mức độ đạt được của từng tiêu chí. Mức độ chuyển đổi số đạt được khi đạt 100% tiêu chí thành phần của mức độ chuyển đổi số tương ứng.
Bộ TT&TT khuyến khích các địa phương tăng cường ứng dụng nền tảng số, kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống thông tin tại địa phương mình để thực hiện tự đánh giá, đánh giá dựa trên dữ liệu số.
Các tỉnh, thành phố cũng được khuyến khích có những hình thức khen thưởng phù hợp để động viên kịp thời các quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc trung ương và xã, phường, thị trấn đạt thành tích trong chuyển đổi số.
Đồng thời, công bố, công khai kết quả đánh giá trên các phương tiện truyền thông nhằm cổ vũ, phát huy kết quả đạt được của các địa phương.
Bộ TT&TT giao Cục Chuyển đổi số quốc gia hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các địa phương ban hành bộ tiêu chí, phương pháp đánh giá, xét công nhận mức độ chuyển đổi số cấp huyện, cấp xã cùng quá trình đánh giá, công nhận mức độ chuyển đổi số cấp huyện và xã.
5 mức độ chuyển đổi số cấp huyện và xã - Khởi động: Chuyển đổi số mới bắt đầu được triển khai, các ứng dụng CNTT cơ bản còn đơn lẻ, manh mún, chưa phát huy được hiệu quả. - Kết nối: Đã bắt đầu thực hiện chuyển đổi số, có sự kết nối trên quy mô lớn hơn trên môi trường mạng và bắt đầu phát huy hiệu quả. - Cơ bản: Chuyển đổi số bắt đầu có hiệu quả, các chỉ tiêu cơ bản về chuyển đổi số đã đạt được. - Nâng cao: Chuyển đổi số đã triển khai đạt mức cao; các mục tiêu chính về chuyển đổi số có liên quan trong các chương trình, chiến lược, kế hoạch của quốc gia, của địa phương đến năm 2025 đã đạt được - Toàn diện: Chuyển đổi số đã được triển khai mạnh mẽ, hiệu quả cao, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. |