Những năm gần đây, các đột phá về công nghệ đã dần thay đổi nguồn cung cấp nhân lực trong nhiều ngành nghề và lĩnh vực trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Chính vì sự phát triển chóng mặt của công nghệ mà số lượng người dùng tăng lên với tốc độ lớn, kéo theo sự bùng nổ dữ liệu các công ty đang tạo ra mỗi ngày. Từ đó, sự phát triển của lĩnh vực khoa học liên quan như dữ liệu lớn (Big Data) và trí tuệ nhân tạo (AI) cũng hứa hẹn nhiều tiềm năng.
Theo báo cáo TechJob 2020 của Dice, tất cả các vị trí nghề nghiệp, số lượng tin đăng tuyển kỹ sư dữ liệu từ thị trường tăng mạnh nhất qua từng năm, trung bình lên đến 50% và dự báo sẽ còn tiếp tục tăng trong những năm tiếp theo.
Trao đổi với VietNamNet về nhu cầu tuyển dụng nhân sự CNTT tại Việt Nam, bà Nguyễn Thị Thu Giang, Phó Giám đốc của Navigos Search miền Bắc cho hay, thời gian tới ngành CNTT vẫn sẽ duy trì được sức nóng để phục vụ cho mục tiêu chuyển đổi số của Việt Nam. "Thị trường lao động ngành CNTT ở Việt Nam vẫn thiếu một số lượng lớn nhân sự chất lượng có thể đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng, nhất là trong các lĩnh vực đang nhận được nhiều sự quan tâm ở Việt Nam như trí tuệ nhân tạo, khoa học dữ liệu và an toàn thông tin mạng", bà Nguyễn Thị Thu Giang chia sẻ.
Với mục tiêu đáp ứng sự phát triển công nghiệp ICT cùng nhu cầu của các doanh nghiệp, hướng tới tính liên ngành và mở rộng khả năng đáp ứng yêu cầu công việc trong các lĩnh vực khác nhau, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (PTIT), đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ TT&TT đã xây dựng chương trình đào tạo Kỹ thuật Dữ liệu trình độ Đại học thuộc ngành Mạng máy tính và truyền thông dữ liệu.
Trong thông báo mới nhất của PTIT, trong mùa tuyển sinh năm nay, nhà trường sẽ tổ chức tuyển sinh 80 sinh viên theo học chương trình đào tạo trình độ đại học chính quy mới – Kỹ thuật dữ liệu tại cơ sở đào tạo Hà Nội. Thí sinh đăng ký vào chương trình Kỹ thuật dữ liệu, sẽ được xét tuyển theo các tổ hợp môn A00 (Toán, Vật lý, Hóa học) và A01 (Toán, Vật lý, tiếng Anh).
Chương trình đào tạo mới này sẽ tập trung đào tạo ra các Kỹ sư kỹ thuật dữ liệu với các kiến thức, kỹ năng chuyên môn liên quan đến thiết kế, triển khai, vận hành và phát triển các hệ thống và dự án dữ liệu. Các lĩnh vực kiến thức ngành học trải rộng từ quá trình thu thập, truyền thông, xử lý, lưu trữ, phân tích đến trực quan hóa dữ liệu. Trong quá trình hoạt động, tất cả các tổ chức, doanh nghiệp dù lớn hay vừa và nhỏ, cũng đều cần đến các kho dữ liệu khổng lồ, khi đó những Kỹ sư kỹ thuật dữ liệu chính là người sẽ giúp các tổ chức và doanh nghiệp đó quản lý, tổ chức, xử lý dữ liệu.
Sinh viên tốt nghiệp chương trình đào tạo Kỹ thuật dữ liệu của PTIT có thể làm việc theo 5 nhóm công việc khác nhau gồm bộ phận quản lý, vận hành trung tâm dữ liệu; bộ phận CNTT, quản lý, vận hành, khai thác hạ tầng dữ liệu; bộ phận phân tích dữ liệu; bộ phận phát triển sản phẩm về nền tảng dữ liệu; đào tạo, nghiên cứu trong dữ liệu, viễn thông, CNTT.
Tiến sĩ Lê Hải Châu, Trưởng bộ môn Kỹ thuật dữ liệu, Khoa Viễn thông 1 của Học viện cho biết, trên thực tế, lĩnh vực khoa học dữ liệu không phải là một ngành đơn nhất mà được hiểu là một lĩnh vực bao trùm, tổng hòa của nhiều ngành thành phần, trong đó nổi lên có 3 ngành mới gồm: khoa học dữ liệu, kỹ thuật dữ liệu và phân tích dữ liệu. Dự báo đây là “bộ ba” hứa hẹn sẽ bùng nổ về nhu cầu nguồn nhân lực trong thời gian tới, Tiến sĩ Lê Hải Châu cũng cho hay, nếu mức lương trung bình của kỹ sư dữ liệu tại nước ngoài hiện khoảng 70.000 - 132.000 USD/năm thì mức lương trung bình của kỹ sư dữ liệu tại Việt Nam có thể đạt tới 400 triệu đồng/năm.
Việc mở chương trình đào tạo đại học về Kỹ thuật dữ liệu cũng là một hoạt động hưởng ứng “Năm dữ liệu số quốc gia 2023”. Trước đó, ngày 25/5, PTIT đã cho ra mắt Cổng dữ liệu mở opendata.ptit.edu.vn. Các bộ dữ liệu công khai theo 4 nhóm chính gồm: Tuyển sinh, đào tạo, dự án sinh viên và hỗ trợ học tập đã được công bố trên Cổng dữ liệu mở của PTIT. Thời gian tới, Cổng dữ liệu mở này sẽ tiếp tục cập nhật thêm các bộ dữ liệu, hướng tới phát triển thành kho tri thức dùng chung của xã hội.
Cuối tháng 3/2023, kế hoạch triển khai “Năm dữ liệu số quốc gia” của Bộ TT&TT đã được phê duyệt. Với chủ đề “Tạo lập và khai thác dữ liệu số để tạo ra giá trị mới”, các nhiệm vụ trong kế hoạch triển khai “Năm dữ liệu số quốc gia” tập trung vào 4 nhóm nội dung chủ yếu, bao gồm: Phát triển dữ liệu mở; Phát triển cơ sở dữ liệu; Phát triển, thúc đẩy sử dụng các nền tảng số sử dụng thống nhất trên toàn quốc hoặc trong phạm vi mỗi địa phương; Nâng cao năng lực quản trị dữ liệu, an toàn, bảo mật dữ liệu. Tại kế hoạch này, PTIT được giao tổ chức tối thiểu 1 sáng kiến hoạt động cộng đồng phù hợp với tinh thần "Năm dữ liệu số quốc gia". |
Bộ TT&TT ban hành kế hoạch triển khai “Năm dữ liệu số quốc gia”Kế hoạch triển khai “Năm dữ liệu quốc gia” của Bộ TT&TT tập trung vào 4 nội dung chính gồm: phát triển dữ liệu mở, cơ sở dữ liệu, thúc đẩy sử dụng các nền tảng số và nâng cao năng lực quản trị dữ liệu, an toàn, bảo mật dữ liệu.