Việt Nam vẫn đang ‘khát’ nhân sự an toàn, an ninh mạng

Tổng giám đốc Công ty Công nghệ an ninh không gian mạng Việt Nam – VNCS Khổng Huy Hùng nhấn mạnh, hiện tại thị trường Việt Nam vẫn đang rất “khát” nhân sự an toàn, an ninh mạng cả về số lượng cũng như chất lượng.


Mối nguy gia tăng, thiếu hụt nhân sự an ninh mạng


Thời gian qua, mặc dù tấn công mạng vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam, nhất là các hệ thống thông tin trọng yếu của các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp đang diễn ra rất nghiêm trọng, tuy nhiên nguồn nhân lực an ninh mạng tại Việt Nam lại đang thiếu hụt trầm trọng.


W-nhan luc an toan thong tin  1 1.jpg
Theo NCA, việc thiếu nhân sự sẽ dẫn đến tình trạng quá tải trong quản lý các nguy cơ, đồng thời làm giảm hiệu quả phản ứng và đối phó khi xảy ra sự cố. Ảnh minh họa: T.Uyên

Theo khảo sát được Hiệp hội An ninh mạng quốc gia - NCA thực hiện và công bố hồi cuối năm 2024, có hơn 20,06% đơn vị cho biết họ chưa có nhân sự chuyên trách về an toàn, an ninh mạng; 35,56% cơ quan, doanh nghiệp chỉ bố trí được không quá 5 người phụ trách. Đây là con số rất nhỏ so với yêu cầu thực tế hiện nay.


Để đảm bảo an ninh mạng, theo mô hình giám sát tập trung SOC 24/7 với 3 ca 4 kíp, mỗi tổ chức cần tối thiểu từ 8 đến 10 vị trí chuyên trách. Việc thiếu nhân sự sẽ dẫn đến tình trạng quá tải trong quản lý các nguy cơ, đồng thời làm giảm hiệu quả phản ứng và đối phó khi xảy ra sự cố, khiến cho các tổ chức dễ bị tổn thương trước các cuộc tấn công mạng, dẫn đến những thiệt hại nặng nề về tài chính và uy tín.


Báo cáo chỉ số an toàn, an ninh mạng toàn cầu - GCI năm 2024 được Liên minh Viễn thông quốc tế - ITU công bố tháng 9/2024, trong 5 trụ cột được đánh giá, chỉ có duy nhất trụ cột về nâng cao năng lực an toàn, an ninh mạng của Việt Nam không đạt được điểm tuyệt đối 20/20.


Theo phân tích của Chủ tịch Công ty An ninh mạng SCS Ngô Tuấn Anh, phát triển năng lực theo đánh giá của ITU là kết quả đo lường các chiến dịch nâng cao nhận thức, đào tạo, giáo dục và các ưu đãi cho phát triển năng lực an ninh mạng; các sáng kiến ​​nâng cao nhận thức về an ninh mạng; chương trình giảng dạy quốc gia và các ưu đãi phát triển năng lực an ninh mạng.


Việt Nam là quốc gia có tới hơn 78 triệu người dân tiếp cận và sử dụng Internet với phổ người dùng rộng. Các hoạt động nâng cao nhận thức, đào tạo, giáo dục và các ưu đãi cho phát triển năng lực an ninh mạng; các sáng kiến ​​nâng cao nhận thức về an ninh mạng… đã được đầu tư, chú trọng bước đầu.


“Tuy nhiên, rõ ràng là để thúc đẩy và nhân rộng thì vẫn cần có thêm nhiều nguồn lực hơn nữa để triển khai trong thực tiễn”, ông Ngô Tuấn Anh nêu quan điểm.


Giải bài toán thiếu nhân sự an toàn, an ninh mạng


Phân tích nguyên nhân của tình trạng thiếu hụt nhân sự chuyên trách an toàn, an ninh mạng tại các tổ chức, doanh nghiệp trong nước, chuyên gia Vũ Ngọc Sơn, Giám đốc kỹ thuật Công ty NCS, Trưởng ban Công nghệ của NCA cho rằng, tình trạng này xuất phát từ cả chủ quan và khách quan.


“Các trường đào tạo an ninh mạng tại Việt Nam hiện nay cung cấp không đủ số lượng cho nhu cầu của thị trường. Chất lượng sinh viên tốt nghiệp ra trường không đồng đều, đa số không có kinh nghiệm thực tế nên rất khó để tham gia vận hành các hệ thống quan trọng. Mặt khác, nhiều tổ chức, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, chưa đánh giá đúng mức độ quan trọng của an ninh mạng, dẫn đến việc đầu tư vào nhân sự chuyên trách bị xem nhẹ”, ông Vũ Ngọc Sơn phân tích.


Trao đổi với phóng viên VietNamNet ngày 25/4, ông Khổng Huy Hùng, Tổng Giám đốc Công ty Công nghệ an ninh không gian mạng Việt Nam - VNCS nhận định: Thời điểm hiện tại, thị trường Việt Nam vẫn đang rất “khát” nhân sự làm an toàn, an ninh mạng.


Ông Khổng Huy Hùng chỉ ra rằng: Việt Nam hiện có rất nhiều người trẻ giỏi, đam mê công nghệ, nhưng rào cản lớn nhất chính là khoảng cách giữa kiến thức học thuật và nhu cầu thực tế của doanh nghiệp.


Nhiều sinh viên tốt nghiệp loại giỏi, nhưng khi bước vào môi trường làm việc lại bỡ ngỡ vì chưa từng được va chạm với các tình huống thực tế, chưa hiểu được cách một hệ thống phòng thủ vận hành trong đời sống thật.


“Thực tế trên cũng là một lý do để chúng tôi triển khai chương trình thực tập sinh tài năng đầu tiên dành riêng cho các bạn sinh viên đam mê lĩnh vực an toàn, an ninh mạng, có muốn được va chạm thực chiến, tiếp cận công nghệ hiện đại và xây dựng con đường nghề nghiệp ngay từ khi còn trên ghế nhà trường”, ông Khổng Huy Hùng nhấn mạnh.


Ở góc độ của một tổ chức xã hội – nghề nghiệp hoạt động trong lĩnh vực an ninh mạng, chuyển đổi số, chuyên gia Hiệp hội An ninh mạng quốc gia đề xuất các cơ quan, doanh nghiệp nghiên cứu việc thuê ngoài dịch vụ chuyên nghiệp giám sát, vận hành an ninh mạng SOC để sử dụng chung nguồn lực, từ đó giải quyết khó khăn thiếu hụt nhân sự an ninh mạng.


“Bên cạnh đó, Việt Nam cần nhanh chóng xây dựng các bộ tiêu chuẩn, chứng nhận và hệ thống đánh giá chính quy về nhân lực an ninh mạng. Những bộ tiêu chuẩn này sẽ giúp sớm chuẩn hóa, thúc đẩy sự chuyên nghiệp trong ngành công nghiệp an ninh mạng, tạo động lực cho nhân sự không ngừng nâng cao trình độ và năng lực”, chuyên gia Hiệp hội An ninh mạng quốc gia nêu quan điểm.









Viet Nam van dang ‘khat’ nhan su an toan, an ninh mang


Tong giam doc Cong ty Cong nghe an ninh khong gian mang Viet Nam – VNCS Khong Huy Hung nhan manh, hien tai thi truong Viet Nam van dang rat “khat” nhan su an toan, an ninh mang ca ve so luong cung nhu chat luong.

Việt Nam vẫn đang ‘khát’ nhân sự an toàn, an ninh mạng

Tổng giám đốc Công ty Công nghệ an ninh không gian mạng Việt Nam – VNCS Khổng Huy Hùng nhấn mạnh, hiện tại thị trường Việt Nam vẫn đang rất “khát” nhân sự an toàn, an ninh mạng cả về số lượng cũng như chất lượng.
Việt Nam vẫn đang ‘khát’ nhân sự an toàn, an ninh mạng
www.tincongnghe.net
Giới thiệu cho bạn bè
  • gplus
  • pinterest

Bình luận

Đăng bình luận

Đánh giá: