Nhạc sử dụng trí tuệ nhân tạo từng gây xôn xao khi giành chiến thắng tại Grammy 2025, cụ thể là ca khúc Now and Then của The Beatles vốn được hoàn thiện nhờ công nghệ AI. Tương tự, phim Dune: Part Two, với sự hỗ trợ của AI trong khâu kỹ xảo, đã xuất sắc mang về nhiều tượng vàng Oscar năm vừa qua. Thế nhưng, từ trước đến nay, vẫn chưa có quy định rõ ràng nào về việc liệu AI có nên, hoặc có thể, góp mặt trong các giải thưởng nghệ thuật danh giá như thế.
Mới đây, Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh Hoa Kỳ (AMPAS) đã chính thức đưa ra lập trường: Phim có sử dụng AI được phép tranh giải Oscar, miễn là yếu tố con người vẫn đóng vai trò chủ đạo trong quá trình sáng tạo. Cụ thể, việc dùng AI "không giúp cũng không gây bất lợi" cho cơ hội được đề cử, nhưng chỉ những cá nhân con người mới đủ điều kiện được ghi nhận là người sáng tạo (tác giả, đạo diễn, biên kịch…).

Viện Hàn lâm cũng khẳng định rằng công nghệ AI chỉ được chấp nhận khi nó đóng vai trò công cụ hỗ trợ, không thay thế hoàn toàn con người. Việc sáng tạo nghệ thuật, từ kịch bản, diễn xuất đến chỉ đạo hình ảnh, vẫn phải do con người làm chủ. Quy định này giúp giữ vững giá trị nghệ thuật truyền thống, đồng thời mở cánh cửa cho công nghệ hiện đại hỗ trợ ngành điện ảnh.
Tóm lại, phim dùng AI được tham gia Oscar, nhưng phải đáp ứng điều kiện:
- AI chỉ hỗ trợ kỹ thuật, không thay thế người sáng tạo.
- Tác phẩm phải có dấu ấn rõ ràng của con người về mặt nghệ thuật.
- Chỉ cá nhân con người mới được công nhận là ứng viên giải thưởng.
Tuy nhiên, quy định mới này đã làm dấy lên nhiều ý kiến trái chiều. Một số người cho rằng nên có riêng một hạng mục dành cho phim dùng AI. Có người lại lo ngại rằng tương lai điện ảnh sẽ bị AI "thống trị", từ đó làm giảm giá trị lao động sáng tạo của con người. Một bộ phận khán giả khẳng định sẽ không nghe, không xem bất cứ tác phẩm nào dính dáng đến AI.
Dù vậy, không thể phủ nhận rằng AI đã và đang trở thành xu hướng tất yếu trong ngành công nghiệp giải trí. Ngay cả vị đạo diễn kỳ cựu James Cameron cũng đã lên tiếng ủng hộ việc ứng dụng AI trong làm phim.
Quan điểm của James Cameron về AI thực tế đã thay đổi theo thời gian. Từ những cảnh báo ban đầu về mối nguy hiểm của AI khi bị vũ khí hóa và nguy cơ làm giảm giá trị nghệ thuật, ông dần có cái nhìn lạc quan hơn về tiềm năng của AI trong điện ảnh. Cameron từng bày tỏ lo ngại về khía cạnh đạo đức của AI, nhất là khả năng bị lạm dụng và việc cần tránh sao chép phong cách của các nhà làm phim khác. Tuy vậy, ông cũng thừa nhận AI có thể tạo ra những thay đổi lớn với kỹ xảo hình ảnh và nhiều lĩnh vực khác.

James Cameron tỏ ra rất tỉnh táo khi nhìn nhận vai trò của công nghệ này. Ông cho rằng, để tiếp tục làm ra những bộ phim tầm cỡ như Dune, điều quan trọng là có thể "giảm một nửa chi phí làm phim mà không phải sa thải một nửa nhân sự". Và AI, theo ông, chính là công cụ giúp hiện thực hóa điều đó.
Ông chia sẻ: "Generative AI có thể giúp các nhà làm phim hoàn thành một cảnh quay nhanh gấp đôi, nhịp độ làm việc sẽ nhanh hơn, chu trình sản xuất cũng rút ngắn lại. Nhờ vậy, các nghệ sĩ có thể tiếp tục làm những điều hay ho khác". Cameron không coi AI là mối đe dọa, Với ông, nó là một phương tiện để con người giải phóng sức sáng tạo khỏi những rào cản kỹ thuật và tài chính.

Dune: Part Two sử dụng AI để nhận diện, theo dõi đôi mắt của các nhân vật và chuyển chúng thành màu xanh dương. Tuy nhiên, vẫn có nhiều phân cảnh cần nhóm nghệ sĩ VFX nhúng tay vào xử lý.
Vị đạo diễn cũng nhấn mạnh rằng mỗi dự án lại cần những cách tiếp cận khác nhau. Có thể, bộ phim tiếp theo của ông sẽ có thêm dòng chữ: "Không sử dụng AI tạo sinh trong quá trình sản xuất". Cameron đề cao quyền lựa chọn và kiểm soát của con người trong việc sử dụng công nghệ. Với ông, AI không phải là điều bắt buộc nó là một phần trong "hộp công cụ" để làm phim hiện đại.
Lấy link