Chiều 7/6, tại phiên chất vấn quốc hội dành cho Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã tham dự và có những phát biểu tại cuối phiên.
Phó Thủ tướng cho biết, khoa học công nghệ (KHCN) là một trong những lĩnh vực khá thuận lợi, đã có tương đối đầy đủ hệ thống văn bản chính sách, từ các nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị đến các luật, quy định pháp luật.
Theo đó, lĩnh vực KHCN nước ta trong thời gian qua đã có những đóng góp cụ thể, được các tổ chức quốc tế đánh giá, tốc độ đổi mới trong lĩnh vực này đạt mục tiêu đề ra. Nước ta cũng là nước đứng thứ 5 trên thế giới làm chủ được công nghệ 5G.
Dẫu vậy, không thể phủ nhận vẫn còn những hạn chế nhất định của ngành này, bao gồm các vấn đề có tính liên ngành và yêu cầu phải đổi mới sáng tạo, Phó Thủ tướng cho biết.
Để giải quyết những khó khăn trước mắt, cần phải đổi mới tư duy quản lý nhà nước về KHCN, cũng như ứng dụng thành tựu KHCN để quản lý nhà nước.
"Nhà nước phải xác định được các mũi nhọn nghiên cứu cơ bản để đầu tư, từ hạ tầng cho đến đội ngũ cán bộ, cơ chế chính sách", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Một vấn đề khác cũng được Phó Thủ tướng chỉ ra, là ngân sách đầu tư cho nghiên cứu của lĩnh vực KHCN hiện chưa hiệu quả. Thậm chí nếu so với thế giới, có thể chúng ta đang ở mức thấp nhất.
"Chúng ta cần gia tăng áp lực đổi mới cho các doanh nghiệp trong thời gian tới theo hướng chuyển từ kinh tế dựa vào tài nguyên sang kinh tế dựa vào tri thức", Phó Thủ tướng nhận định.
Liên quan đến vấn đề quản lý các quỹ KHCN, Phó Thủ tướng cho rằng cần phải đổi mới cách thức quản lý tài chính, tạo ra sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp, từ đó đáp ứng cân bằng giữa cung và cầu, đảm bảo tính ổn định, bền vững.
Song song với đó, cũng cần hoàn thiện các quy định và có chính sách đặc thù bảo vệ quyền sở hữu, quyền tác giả khi chuyển giao sản phẩm KHCN.
Phó Thủ tướng nêu rõ, Chính phủ đang chỉ đạo tổng kết các chính sách lớn trong lĩnh vực KH&CN. Tại đó, ý kiến của các đại biểu Quốc hội sẽ được tiếp thu, nghiên cứu để có những đề xuất chính sách tốt hơn, nhằm triển khai trong thời gian tới, góp phần thúc đẩy toàn diện KHCN và khắc phục các tình trạng còn tồn đọng.