Phản ánh với VTC News , anh Lê Chí Dũng, giám đốc doanh nghiệp bao bì tại Km30, quốc lộ 5A thuộc địa bàn tỉnh Hưng Yên cho biết, mấy ngày qua, hoạt động của công ty gần như tê liệt do tình trạng thiếu điện liên tục.
Theo anh Dũng, chưa có năm nào việc cắt điện lại xảy ra thường xuyên như năm nay. “ Cả dàn máy móc đang chạy, công nhân đang vào ca tập trung làm việc thì mất điện. Thiệt hại không chỉ ở việc các sản phẩm dở dang phải bỏ đi mà máy móc bị ngắt điện bất ngờ cũng nguy cơ bị hỏng hóc, ngừng hoạt động. Việc sửa chữa máy móc mỗi lần bị hỏng trong hoàn cảnh này có thể lên đến hàng trăm triệu. Sản phẩm đang làm dở chưa thể hoàn thành cũng phải bỏ đi vì không dùng được. Sau COVID-19, doanh nghiệp chật vật tìm đơn hàng. Nay có được đơn hàng thì lại có nguy cơ bị chậm, hoãn trả đơn hàng cho đối tác do tình trạng thiếu điện để hoạt động, khó khăn càng bị nhân 3, nhân 5 ”, anh nói.
“ Giờ đây, đối tác thì giục mà công nhân cứ phải “ngồi chơi” vì không có điện để vận hàng máy móc. Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị nhưng phía điện lực chưa có câu trả lời ”, anh Dũng cho biết thêm.
Trầm trọng hơn, chị Phạm Thị Thùy, Giám đốc nhà máy Bánh gạo One One (thuộc Công ty Cổ phần New Rice) cũng tại khu vực Km30 - Quốc lộ 5A, cho biết, thiệt hại mỗi ngày mà doanh nghiệp đang phải hứng chịu lên đến hàng tỉ đồng. Nếu tính trạng mất điện kéo dài, con số này tiếp tục được nhân lên.
“ Vốn đặc thù sản xuất bánh gạo, trước khi vận hành máy móc để làm, chúng tôi phải ngâm gạo cùng với rất nhiều khâu chuẩn bị. Vì thế việc cắt điện liên tục khiến doanh nghiệp chết đứng, nguyên liệu chuẩn bị sản xuất phải bỏ đi hết, khó khăn thiệt hại vô cùng. K hông có điện để vận hành máy móc, hàng loạt công nhân buộc phải nghỉ làm. Chỉ có lãnh đạo công ty lúc nào cũng như ngồi trên đống lửa. Tiền lương vẫn phải trả đủ cho công nhân nhưng với tình trạng thiếu điện thế này thì đơn hàng vẫn chậm. Doanh nghiệp thiệt đơn, thiệt kép đủ bề ”, chị Thùy nói.
Tương tự, nhân viên kinh doanh của một doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng tại Khu công nghiệp Thuận Thành 2, Bắc Ninh thông tin, cuối tuần vừa qua, toàn bộ khối sản xuất của công ty phải ngừng làm việc vì nhà máy mất điện, trong khi khối văn phòng, kinh doanh thì làm việc từ xa, trả lời mọi thắc mắc của khách hàng.
" Chúng tôi được thông báo trước lịch cắt điện nhưng cũng không thể xoay xở kịp. Vì đơn hàng của khách đã được nhận từ trước và theo kế hoạch đến ngày phải giao. Tất nhiên khi trình bày lý do bất khả kháng thì đối tác cũng thông cảm thôi nhưng chắc chắn cũng sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi, kế hoạch kinh doanh của họ. Hơn nữa, nếu tình trạng này kéo dài thì doanh nghiệp chắc chắn chịu thiệt hại lớn vì những chi phí khác vẫn phát sinh, trong khi không có hàng để bán ", anh này nói.
Ở lĩnh vực du lịch, bà Đỗ Thị Lan, CEO Viethouse Travel cho biết, doanh nghiệp của mình chuyên dẫn tour khách tham quan đồng thời kinh doanh khách sạn tại địa bàn thành phố Hạ Long. Những ngày gần đây, việc mất điện triền miên ở thành phố biển này đã ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động kinh doanh của Viethouse Travel. Không ít đoàn khách đã thay đổi kế hoạch do lo sợ tình trạng mất điện tại Hạ Long.
Cũng chung cảnh ngộ này, tại Hà Nội, nhiều ngày nay, hàng loạt công ty, xưởng sản xuất phải chịu cảnh mất điện kéo dài. Việc cắt điện dù được thông báo từ trước tuy nhiên cũng khiến hoạt động của các doanh nghiệp lâm vào bế tắc. Đặc biệt, khi phần lớn doanh nghiệp đều đang đối diện với nhiều thử thách do nền nhiều khó khăn thì sự thiếu hụt điện như thế này càng như giọt nước tràn ly, khiến họ vô cùng lo lắng.
Một xưởng sản xuất cơ khí đóng trên địa bàn huyện Thạch Thất, Hà Nội buộc phải đóng cửa mấy ngày nay vì không đủ nguồn điện để hoạt động thường xuyên. Các đơn hàng cũng bị chậm, treo và không thể hoàn thành theo đúng hẹn. “ Dù đã được thông báo về lịch cắt điện nhưng chúng tôi vẫn thụ động. Mất điện thì làm sao chủ động được công việc trong khi 100% hoạt động của xưởng cơ khí đều phụ thuộc vào nguồn điện ”, vị đại diện chia sẻ.
Vị này thông tin thêm, dù đã tìm cách đối phó như chuyển giờ làm sang buổi tối hoặc cho công nhân làm bù để "né" giờ cắt điện nhưng cũng không hiệu quả vì việc cắt điện không theo khung giờ nhất định. " Công nhân đi làm là phải tính công theo ngày. Nếu kéo họ đến làm mà lại mất điện, họ phải ra về thì chúng tôi vẫn phải trả tiền công nhật. Nên để tiết giảm chi phí, chúng tôi quyết định cho họ nghỉ, cho đến khi tình hình điện đóm ổn định hơn ", anh nói thêm.
Không chỉ đối với các doanh nghiệp sản xuất, tình trạng cắt điện luân phiên khiến các tòa nhà dành cho khối văn phòng, công sở ở Hà Nội cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Sáng sớm 6/6, toàn bộ doanh nghiệp, đơn vị, nhà hàng tại tòa nhà văn phòng trên đường Tam Trinh (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) đồng loạt nhận được thông báo về lịch cắt điện, kéo dài từ 8h đến 16h. Tuy ban quản lý tòa nhà cam kết sẽ có máy phát điện nhưng do công suất yếu, không thể phục vụ 100% nhu cầu nên không bật hệ thống điều hòa. Do ái ngại cảnh làm việc giữa trời nắng nóng sẽ không hiệu quả, nhiều doanh nghiệp đã phải bố trí cho nhân viên làm việc từ xa hoặc thậm chí nghỉ làm, khiến không ít hoạt động đã có kế hoạch từ trước đó của các đơn vị này buộc phải hủy bỏ hoặc thay đổi.
Đáng nói là, sau đó việc cắt điện không diễn ra và ngành điện cũng không hề thông báo lại, trong khi các doanh nghiệp đã chịu thiệt hại không nhỏ vì phải chạy theo để đối phó thông báo với trước đó.
" Biết là vào cao điểm nên người dân cần tiết kiệm điện để tránh quá tải. Nhưng dường như ngành điện đang tỏ ra vô cảm trước những thiệt hại rất lớn của người dân, doanh nghiệp cũng là khách hàng của họ. Chính vì thế nên những thông báo mới chậm trễ, thậm chí là bặt vô âm tín như thế ", đại diện một doanh nghiệp nói.
Nhiều doanh nghiệp TNHH đóng trên địa bàn phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng cũng đang nơm nớp lo cảnh bị cắt điện luân phiên. Đáng nói là họ không biết hỏi thông tin cắt điện ở đâu để chuẩn bị kế hoạch. " Chúng tôi làm dịch vụ chuyển phát hàng hóa, điện rất quan trọng để in ấn đơn từ, nhập mã hàng...Chưa kể việc sắp xếp, phân loại, bê vác hàng hóa rất vất vả, nếu không có điện thì không thể làm hiệu quả. Vậy mà chúng tôi không biết bất cứ một thông tin gì về lịch cắt điện. Ngày 3/6 vừa qua, cả khu vực bỗng nhiên mất điện từ 11h đến 16h. Quá bất ngờ, chúng tôi hỏi nhân viên điện lực thì được trả lời là do sửa chữa, sau đó không có thêm thông tin gì khiến cả người dân và doanh nghiệp nhỏ lẻ như chúng tôi phải chịu cảnh nóng bức, chờ đợi rất lâu. Ngay cả bây giờ, chúng tôi cũng không biết kế hoạch cắt điện cụ thể, chỉ nghe đồn đoán, hỏi tổ dân phố cũng không ai biết ", chị Thu Lan, chủ một doanh nghiệp tư nhân bức xúc nói.
Thủ tướng chỉ đạo khẩn trương thực hiện bảo đảm cung ứng điện
Ngày 6/6, Thủ tướng ban hành Công điện số 517/CĐ-TTg ngày 6/6/2023 về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cung ứng điện mùa khô năm 2023 và thời gian tới.
Trong đó, Thủ tướng giao Bộ Công Thương rà soát, đánh giá kỹ về tình hình cung ứng điện hiện nay, nhất là các yếu tố phát sinh ảnh hưởng đến việc bảo đảm cung ứng điện để tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, khẩn trương hướng dẫn EVN xây dựng các kịch bản chủ động kịp thời ứng phó với những khó khăn về cung ứng điện và tổ chức thực hiện theo quy định. Hoàn thành việc này trước ngày 10/6/2023.
Trước đó, Thủ tướng đã chỉ đạo bằng nhiều hình thức từ sớm, từ xa về việc bảo đảm cung ứng điện mùa khô năm 2023, trong đó yêu cầu tuyệt đối không để xảy ra thiếu điện cũng như lưu ý các giải pháp cụ thể khắc phục các khó khăn về cung ứng điện thời gian qua, trong đó có Thông báo số 185/TB-VPCP ngày 19/5/2023.
Lấy link