Trước năm 2019, không có trở ngại đáng kể nào đối với một công ty Trung Quốc mở chi nhánh hoạt động kinh doanh tại Mỹ. Song, bối cảnh căng thẳng thương mại hai nước leo thang, đặc biệt sau khi Washington áp lệnh trừng phạt đối với gã khổng lồ viễn thông Huawei, một số công ty đại lục bắt đầu chuyển trụ sở chính ra nước ngoài với hi vọng thoát khỏi tầm ngắm của chính phủ Mỹ.
Chưa dừng lại, một số lãnh đạo doanh nghiệp công nghệ Trung Quốc gần đây cho biết, họ cần có quyền thường trú nhân hoặc quốc tịch nước ngoài để hạn chế hơn nữa những thành kiến đối với công ty Trung Quốc tại Mỹ.
“Thật không công bằng”, Ryan - một doanh nhân công nghệ giấu tên tại Thẩm Quyến than thở về việc các đối thủ cạnh tranh từ những quốc gia khác không gặp phải vấn đề tương tự khi tìm cách mở rộng sang Mỹ. Công ty phần mềm ba năm tuổi của Ryan đã phát triển đến thời điểm cần mở rộng sang nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Bởi vậy, Ryan đang cố gắng có được thẻ thường trú cá nhân ở một quốc gia châu Á khác. Reuters khẳng định các doanh nhân công nghệ Trung Quốc, những người muốn mở rộng kinh doanh sang Mỹ đều đang lấy quốc tịch khác, chẳng hạn như Hồng Kông, Canada, Nhật Bản, Mỹ hay Singapore.
Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung bùng nổ dưới thời chính quyền Trump và liên tục được đẩy lên cao trào sang lĩnh vực công nghệ trong nhiệm kỳ của Tổng thống Joe Biden, khi cả hai đều không từ bỏ tham vọng dẫn đầu.
Các điểm nóng chính bao gồm lệnh hạn chế xuất khẩu chip, cấm TikTok của ByteDance trên các thiết bị công. Về phần mình, Trung Quốc thông báo các ngành công nghiệp chính sử dụng sản phẩm của Micron Technology, công ty bán dẫn lớn nhất Mỹ, cũng như tìm cách hạn chế hoạt động của những công ty tư vấn và thẩm định nước ngoài.
Chuyển trụ sở chính, loại bỏ nguồn gốc đại lục
Theo các doanh nhân và chuyên gia tư vấn, căng thẳng địa chính trị đồng nghĩa bầu không khí kém thân thiện hơn đối với các công ty đại lục muốn hoạt động hoặc nhận tài trợ tại Mỹ.
Bất chấp những khó khăn, thì việc mở rộng sang Mỹ vẫn là mục tiêu cuối cùng của hầu hết những doanh nhân công nghệ trong bối cảnh thị trường nội địa không phải là lựa chọn hấp dẫn dù có quy mô khổng lồ. Việc thắt chặt quản lý công nghệ, cùng chính sách “zero-Covid” nghiêm ngặt khiến nhiều công ty tại đây “vỡ mộng”.
“Mọi thứ đã thay đổi trong đại dịch”, Wilson, doanh nhân đang tìm cách chuyển startup phần mềm ra nước ngoài nói. Người này cũng cho hay không phải môi trường kinh doanh tại đại lục trở nên không thể, nhưng mọi việc sẽ “dễ dàng hơn cho nhân viên và cổ đông nếu ông ra nước ngoài”.
Chris Pereira, CEO công ty nghiên cứu tư vấn kinh doanh North America Ecosystem Institute, cho biết bên cạnh việc chuyển trụ sở chính ra nước ngoài, các doanh nghiệp còn tìm cách hạn chế tối đa “bản sắc” Trung Quốc.
Ví dụ điển hình nhất là Shein, nhà bán lẻ thời trang nhanh trực tuyến, trên thực tế đã trở thành một công ty cổ phần Singapore. Đầu tháng 5, hãng thương mại điện tử PDD Holdings cũng chuyển “nhà chính” từ Thượng Hải đến Dublin.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết, trong một tuyên bố rằng một số nước phương Tây muốn "chính trị hóa công nghệ, gây trở ngại cho hợp tác thương mại và công nghệ thông thường, không mang lại lợi ích cho bên nào và ảnh hưởng xấu đến tiến bộ công nghệ và tăng trưởng kinh tế toàn cầu."
“Câu chuyện chính trị ở Washington dựa trên quan niệm sai lầm rằng tất cả các công ty Trung Quốc đều liên kết với nhau và nhận chỉ đạo từ chính phủ Trung Quốc”, James McGregor, chủ tịch phụ trách Trung Quốc tại công ty tư vấn truyền thông APCO (Mỹ) cho biết.
(Theo Reuters)
Elon Musk gặp Ngoại trưởng Trung Quốc, cổ phiếu Tesla bật tăng
Ngày 30/5, Elon Musk có cuộc gặp với Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương, dấu hiệu cho thấy cam kết lâu dài của hãng xe điện Tesla đối với thị trường tỷ dân.
Trung Quốc vận động Nhật Bản dỡ bỏ hạn chế xuất khẩu bán dẫn
Ngày 29/5, Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc kêu gọi Nhật Bản dỡ bỏ kiểm soát xuất khẩu bán dẫn, cho rằng các lệnh cấm vận là “sai trái” và “vi phạm nghiêm trọng” luật pháp kinh tế và thương mại quốc tế.
Trung Quốc và Hàn Quốc đẩy mạnh hợp tác về chuỗi cung ứng bán dẫn, trong khi Mỹ - Nhật phát triển thế hệ chip tiếp theo, cũng như xây dựng lộ trình và nguồn nhân lực công nghệ chung.