Hiện nay, đây là đường hầm gió tiên tiến nhất ở Mỹ. MIT hy vọng công trình có thể mở đường cho nhiều nghiên cứu mới. Năm 2017, Khoa hàng không và thiên văn của MIT thông báo kế hoạch thay thế đường hầm gió với kinh phí từ Boeing. Đường hầm gió mới có thể tạo ra sức gió 370 km/h và có khu vực thử nghiệm lớn nhất trong các học viện tại Mỹ. Đây là nâng cấp vô cùng cần thiết đối với viện bởi đường hầm gió cũ đã lỗi thời.
Phần lớn đường hầm gió hiện đại hướng tới cung cấp luồng khí sạch hết mức có thể qua một mô hình. Điều đó đòi hỏi tiết diện đường hầm gió lớn nhất trong khả năng.
"Giống như bất kỳ dự án kỹ thuật nào, kích thước và chi phí là những vấn đề chính cần cân nhắc. Chúng tôi không thể chỉ lấy thiết kế của một đường hầm thông thường và điều chỉnh cho vừa với không gian tương đối nhỏ của đường hầm gió cũ và mong chờ nó sẽ hoạt động", giáo sư Mark Drela, giám đốc đường hầm gió Wright Brothers, chia sẻ. "Chúng tôi cần thiết kế một kiến trúc hoàn toàn mới với nhiều thay đổi ở quạt, bộ khuếch tán và chong chóng gió để mang tới cho đường hầm tiếp theo những khả năng như mong muốn".
Cả đường hầm Wright Brother mới và cũ đều có thiết kế mạch khép kín với luồng khí di chuyển qua khu vực thử nghiệm nhằm mục đích đo đạc trước khi tuần hoàn trở lại quanh đường hầm. Do quạt gió hoạt động trực tiếp nhờ motor 1864,25 kW, toàn bộ hệ thống chỉ có một bộ phận chuyển động. Đây là một cải tiến lớn so với hệ truyền động có cơ cấu phức tạp của đường hầm cũ. Tốc độ motor được điều khiển bởi bộ biến đổi tần số, giúp tiết kiệm nhiên liệu và hoạt động êm hơn phiên bản trước đó.
Khi đường hầm vận hành ở tốc độ tối đa, quạt điều áp phần lớn luồng khí trong đường hầm, tạo điều kiện để bức tường đối diện quạt có thể chịu tải 80 tấn, tương đương sức mạnh của một cơn bão 386 km/h. Quạt và khu vực thử nghiệm là bộ phận duy nhất trong đường hầm gió Wright Brothers được cố định vào nền đất để chịu lực từ các bức tường. Những cấu trúc đỡ còn lại trong đường hầm có thể xê dịch khoảng 1 cm quanh vị trí, giúp giảm bớt áp lực tạo bởi tải trọng nén và biến động nhiệt độ.
An Khang (Theo Interesting Engineering)
- Mô hình vệ tinh bốc hơi trong đường hầm gió plasma