Các nhà cổ sinh vật học khai quật hóa thạch của sinh vật khổng lồ trên đảo Wight ngoài khơi phía nam nước Anh. Họ đặt biệt danh cho loài mới phát hiện là "đại long xương gai White Rock" theo tên lớp đá phấn trên đảo. Do nhóm nghiên cứu chỉ đào được một số mẩu hóa thạch, con vật vẫn chưa có tên khoa học chính thức.
Đây là hóa thạch đại long xương gai niên đại nhỏ nhất từng được tìm thấy tại Anh, theo nghiên cứu mới công bố hôm 9/6 trên tạp chí PeerJ Life and Environment. Khủng long xương gai là loài khủng long ăn thịt đi bằng 2 chân có hộp sọ giống cá sấu, phần cổ thuôn dài và các chi vạm vỡ. Chúng sống ở kỷ Phấn Trắng (cách đây 66 - 145 triệu năm). Loài khủng long mới là họ hàng gần của một loài thằn lằn gai lưỡng cư lớn hơn khủng long bạo chúa (Tyrannosaurus rex) và có cấu trúc hình cánh buồm nhô lên từ lưng.
Đại long xương gai khá bí ẩn vì rất ít hóa thạch của họ khủng long này được phát hiện. Các nhà khoa học cho rằng chúng săn mồi ở sông hồ và đầm phá, nhưng cách chúng bắt mồi vẫn là chủ đề gây tranh cãi. Một số nhà cổ sinh vật học cho rằng đại long xương gai bơi theo con mồi, tự đẩy bằng cách quất chiếc đuôi lớn giống như cá sấu. Các chuyên gia khác lại đặt giả thuyết chúng hoạt động giống chim diệc hơn, lội giữa đầm phá và thọc bộ móng vuốt dài xuống nước để bắt cá. Dù săn mồi theo cách nào, chúng cũng có kích thước khổng lồ và loài đại long xương gai White Rock mới thuộc hàng lớn nhất. Theo trưởng nhóm nghiên cứu Chris Barker, nhà cổ sinh vật học ở Đại học Southampton, Anh, con vật dài hơn 10 m. Đây có thể là loài khủng long săn mồi lớn nhất châu Âu.
Nhóm nghiên cứu tìm thấy hóa thạch của con quái vật cổ đại bao gồm xương chậu và xương sống đuôi bên trong lớp đá kỷ Phấn Trắng gần Compton Chine, một đặc điểm địa chất ở vùng ven biển phía tây nam đảo Wight. Hóa thạch được lưu giữ trong cấu trúc đá gọi là thành hệ Vectis, hình thành cách đây 125 triệu năm khi cặn lắng từ nước biển xâm nhập vào phá nước ngọt ven biển. Đại long xương gai White Rock có thể lang thang tìm kiếm con mồi giữa những phá nước và bãi cát. Dấu vết trên xương cho thấy xác của nó có thể bị ấu trùng ăn xương hoặc bọ cánh cứng ăn xác thối ở kỷ Phấn Trắng rỉa sạch.
Các nhà nghiên cứu hy vọng có thể tìm hiểu nhiều hơn về loài khủng long mới bằng cách lấy những lát xương mỏng và nghiên cứu dưới kính hiển vi. Điều này sẽ cho phép họ khám phá đại long xương gai lớn nhanh tới mức nào và độ tuổi của nó khi chết.
An Khang (Theo Live Science)
- Cá sấu tiền sử to ngang xe buýt