Tàu Prism Courage rời Freeport, Texas vào ngày 1/5/2022, đi qua kênh đào Panama và Thái Bình Dương để tới bến Boryeong LNG Terminal ở tỉnh Nam Chungcheong, Hàn Quốc, sau hành trình kéo dài 33 ngày. Ngoài xử lý tín hiệu định vị vệ tinh GPS và dòng hải lưu, con tàu còn phải đọc nhiều thông số từ cảm biến, quyết định phản hồi đồng thời tuân thủ luật hàng hải dọc đường.
Trong nửa cuối hành trình, con tàu chạy dưới sự điều khiển của hệ thống định vị tự động HiNAS 2.0. Hệ thống này không chỉ lái tàu mà còn tìm kiếm lộ trình tối ưu và tốc độ tốt nhất dựa trên trí tuệ nhân tạo Integrated Smartship Solution (ISS) của Hyundai Global Service. Hệ thống cung cấp định vị cũng như cách đối phó với thời tiết và sóng cao, đồng thời tránh tàu chạy qua bằng cách lái theo thời gian thực.
Hệ thống HiNAS 2.0 giúp hiệu suất tiêu thụ nhiên liệu tăng 7% và giảm 5% lượng phát thải khí nhà kính. Ngoài ra, hệ thống còn định vị và tránh các tàu khác hơn 100 lần. Trong toàn bộ hành trình, Prism Courage được theo dõi bởi Cục vận chuyển Mỹ và Cơ quan đăng kiểm Hàn Quốc để xác nhận hiệu suất và độ ổn định của tàu. Mục tiêu của Hyundai là chuẩn bị đưa HiNAS 2.0 ra thị trường vào năm tới sau khi có giấy phép.
"Công nghệ định vị tự động của Avikus giúp ích rất nhiều trong thử nghiệm xuyên đại dương này, đặc biệt trong duy trì lộ trình, tự động đổi hướng và tránh tàu gần đó. Tất cả đều giúp tăng sự thuận tiện cho thủy thủ đoàn", thuyền trưởng Young-hoon Koh của Prism Courage, cho biết.
An Khang (Theo New Atlas)
- Hyundai phát triển máy bay hydro cất cánh thẳng đứng