Nghiên cứu xuất bản trên tạp chí Science hôm 2/6 sử dụng dữ liệu vệ tinh độ phân giải cao và chỉ ra, diện tích thực vật phía trên đường giới hạn cây gỗ (ranh giới độ cao mà vượt qua đó không có cây gỗ mọc) trên dãy Alps đã tăng 77% kể từ năm 1984. Việc các sông băng thu hẹp cũng đã cho thấy sự ấm lên lên toàn cầu ở khu vực dãy Alps, những sự gia tăng sinh khối thực vật là một thay đổi "hoàn toàn lớn", nhóm nghiên cứu nhận xét.
Nhiệt độ và lượng mưa tăng đang kéo dài mùa sinh trưởng, dẫn đến thực vật xâm chiếm các khu vực mới, trở nên ngày càng rậm rạp và cao hơn. Lượng tuyết phủ đang giảm và các nhà khoa học cho biết, việc mất chưa đến 10% lượng tuyết phủ phía trên đường giới hạn cây gỗ đã là rất đáng kể.
"Quy mô của sự thay đổi ở dãy Alps cực kỳ lớn", giáo sư Sabine Rumpf tại Đại học Basel, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết.
Các vùng núi đang nóng lên nhanh gấp đôi so với mức trung bình toàn cầu. Việc phủ xanh dãy Alps giúp tăng khả năng hấp thụ carbon, nhưng điều này có thể không đủ bù đắp cho những tác động tiêu cực, bao gồm tầng đất đóng băng vĩnh cửu tan chảy, có ít tuyết để phản xạ lại ánh sáng mặt trời và môi trường sống của sinh vật suy giảm.
Theo Rumpf, việc số cây mọc ở độ cao lớn tăng có thể đe dọa nhiều loài thực vật đặc trưng trên dãy Alps, vốn thích nghi tốt với các điều kiện khắc nghiệt nhưng không có tính cạnh tranh cao. Khi điều kiện trở nên thuận lợi cho việc sinh trưởng, chúng sẽ bị những loài thực vật phổ biến và mạnh mẽ từ các độ cao thấp hơn chen lấn. "Sự đa dạng sinh học độc đáo của dãy Alps đang chịu áp lực lớn", Rumpf nhận định.
Ở khoảng 10% diện tích khu vực mà nhóm nghiên cứu đo đạc, lượng tuyết phủ phía trên đường giới hạn cây gỗ giảm đáng kể, chưa tính sông băng và những nơi dưới 1.700 m. Các nhà nghiên cứu cho biết, đây vẫn là một xu hướng đáng lo ngại.
"Các phân tích dữ liệu vệ tinh trước đây không chỉ ra được xu hướng như vậy. Điều này có thể do độ phân giải của ảnh vệ tinh chưa đủ hoặc vì khoảng thời gian nghiên cứu quá ngắn", giáo sư Antoine Guisan tại Đại học Lausanne, nói.
Dữ liệu vệ tinh không phát hiện sự thay đổi về độ dày của tuyết, nhưng các phép đo dưới mặt đất đã cho thấy tuyết mỏng hơn ở những khu vực có độ cao thấp trong một số năm.
Khi nhiều khu vực trên dãy Alps hơn chuyển từ trắng thành xanh lá, tốc độ ấm lên toàn cầu và tuyết tan càng tăng. "Những ngọn núi xanh hơn phản xạ ít ánh sáng mặt trời hơn, khiến sự ấm lên tăng thêm, tiếp tục làm mất thêm nhiều tuyết phủ và giảm khả năng phản xạ", Rumpf giải thích.
Sự ấm lên cũng khiến các sông băng và tầng đất đóng băng vĩnh cửu tan chảy, có thể dẫn đến nhiều vụ lở đất, lở đá và bùn trôi hơn.
Thu Thảo (Theo Guardian)
- Vì sao nắng nóng ngày càng bất thường?
- Sóng nhiệt nóng 50°C ở Pakistan