Trong một tài liệu được công bố vào hôm 1/6 về "kế hoạch 5 năm mới", các nhà hoạch định kinh tế của Trung Quốc cho biết 33% nguồn cung cấp cho lưới điện quốc gia sẽ đến từ năng lượng tái tạo vào năm 2025, tăng từ 29% vào năm 2020.
"Vào năm 2025, sản lượng điện hàng năm từ năng lượng tái tạo sẽ đạt khoảng 3,3 nghìn tỷ kilowatt giờ, trong đó sản lượng điện gió và điện mặt trời sẽ tăng gấp đôi", kế hoạch cho biết.
Trung Quốc hiện là nhà sản xuất năng lượng tái tạo lớn nhất nhưng cũng là nguồn phát thải khí nhà kính lớn nhất vì là "công xưởng của thế giới". Nước này đã tăng tốc đầu tư vào các dự án năng lượng mặt trời và gió để giải quyết vấn đề ô nhiễm, đồng thời cam kết đạt đỉnh phát thải vào năm 2030 và tiến tới trung hòa carbon vào năm 2060.
Dữ liệu từ Cơ quan Năng lượng Quốc gia Trung Quốc cho thấy vốn đầu tư vào năng lượng mặt trời đã tăng gần gấp ba lần trong 4 tháng đầu năm 2022, lên 29 tỷ nhân dân tệ (4,3 tỷ USD), so với mức đầu tư từ tháng 1 đến tháng 4 của năm trước.
Tuy nhiên, Bắc Kinh cũng đồng thời tăng cường sự phụ thuộc vào các nhà máy điện than trong những tháng gần đây để đảm bảo an ninh năng lượng trong bối cảnh xung đột giữa Nga và Ukraine đẩy giá năng lượng toàn cầu lên cao.
Vào tháng 3, các nhà chức trách đã yêu cầu các thợ mỏ đào thêm 300 triệu tấn than trong năm nay. Tập đoàn Lưới điện Quốc gia Trung Quốc cho biết nước này dự kiến bắt đầu cắt giảm tiêu thụ than từ năm 2026.
Đoàn Dương (Theo AFP/Reuters)
- Hạ thủy tàu lắp đặt turbine gió ngoài khơi sức nâng 3.000 tấn
- Scotland nhận đầu tư gần tỷ đô vào điện gió ngoài khơi