Miệng hố Batagay thu hút sự quan tâm của giới nghiên cứu bởi nơi này chứa nhiều manh mối về đời sống tiền sử trên Trái Đất, lưu giữ "200.000 năm lịch sử địa chất và sinh vật học" dưới tầng đất sâu, theo Đài quan sát Trái Đất của NASA. Năm nay, cháy rừng hoành hành ở Siberia. Các chuyên gia lo ngại cháy rừng kết hợp tình trạng ấm lên toàn cầu trong khu vực có thể khiến "cổng địa ngục" càng trở nên lớn hơn.
Thomas Opel, nhà nghiên cứu cổ khí hậu và đất đóng băng vĩnh cửu ở Viện Alfred Wegener của Đức, cho biết tốc độ mở rộng của miệng hố đang tăng lên trong những thập kỷ gần đây. "Khu vực quanh Batagay trải qua nhiều đám cháy nghiêm trọng trong vài năm qua. Trong bất kỳ trường hợp nào, cháy rừng sẽ gây tổn hại cho mảng thực vật che phủ và bảo vệ đất đóng băng vĩnh cửu khỏi tan chảy. Theo tôi, vùng đất sụt này sẽ "ăn" dần cảnh quan hiện nay", Opel nói.
Julian Murton, giáo sư khoa học đất đóng băng vĩnh cửu ở Khoa địa lý của Đại học Sussex, Anh, cũng đồng quan điểm. "Những đám cháy cần phải xảy ra rất gần miệng hố để tác động trực tiếp tới sự phát triển của nó. Nhưng cháy rừng có thể thúc đẩy đất đóng băng tan rã, dẫn tới nhiều chỗ đất sụt mới. Nếu ngọn lửa thiêu rụi hoặc phá hủy thực vật che phủ bên trên, lớp đất sẽ ấm lên nhanh hơn, thời gian tan rã sẽ kéo dài từ vài năm tới vài thập kỷ, tùy theo thực vật mất bao lâu để khôi phục như cũ", Murton cho biết.
Đất đóng băng vĩnh cửu là bất kỳ vùng đất nào đóng băng hoàn toàn trong ít nhất 2 năm liên tiếp. Gần 1/4 diện tích đất liền Bắc bán cầu có đất đóng băng vĩnh cửu bên dưới và Nga chiếm phần đặc biệt lớn. Các nhà khoa học cho rằng đất đóng băng vĩnh cửu có thể đóng vai trò quan trọng trong biến đổi khí hậu do lưu trữ lượng lớn carbon dioxide và nhiều khí khác gây ra hiện tượng ấm lên toàn cầu. Chỉ riêng ở Bắc Cực, ước tính đất đóng băng vĩnh cửu chứa lượng carbon nhiều gần gấp đôi so với trong khí quyển, theo Hội đồng bảo vệ tài nguyên thiên nhiên (NRDC).
Một vấn đề khác gây ra bởi đất đóng băng vĩnh cửu tan chảy là cảnh quan biến đổi đáng kể. Khi tan chảy, đất đóng băng có thể tạo ra những chỗ đất sụt. Số lượng hố đất sụt như miệng hố Batagay ở Siberia đang tăng lên nhanh chóng, phá hủy hệ thống cơ sở hạ tầng.
An Khang (Theo Newsweek)
- Lấy mẫu vi khuẩn ở 'Cổng địa ngục' để tạo thuốc kháng sinh