Công ty cung cấp dịch vụ đám mây Lonestar Data Holdings ở Florida đang lên kế hoạch xây dựng trung tâm dữ liệu trên Mặt Trăng. "Chúng ta đang lưu giữ những tài sản quý giá nhất như tri thức và dữ liệu trên Trái Đất, nơi dễ bị đe dọa bởi bom mìn và hỏa hoạn. Chúng ta cần đưa những tài sản đó ra ngoài hành tinh để bảo quản an toàn", Christopher Stott, nhà sáng lập kiêm giám điều hành Lonestar, cho biết.
Stott ví nỗ lực xây dựng trung tâm lưu trữ dữ liệu trong vũ trụ của Lonestar với dự án bảo quản tất cả hạt giống trên thế giới ở Hầm hạt giống toàn cầu Svalbard trên đảo Spitsbergen của Na Uy. Thay vì bảo vệ sự đa dạng cây trồng, công ty muốn giữ gìn an toàn tri thức nhân loại.
Một mặt của Mặt Trăng luôn quay về phía Trái Đất, nghĩa là có thể thiết lập mạng liên lạc giữa các thiết bị trên Mặt Trăng và Trái Đất. Hiện nay, Lonestar đã thu hút 5 triệu USD từ các nhà đầu tư. Họ cần chứng minh công nghệ khả thi và bắt đầu với những thử nghiệm nhỏ trên tàu chở hàng thương mại đến Mặt Trăng. Tháng trước, Lonestar thông báo công ty đã ký hợp đồng phóng nguyên mẫu phần mềm và phần cứng trên hai tàu đổ bộ Mặt Trăng với công ty hàng không vũ trụ Intuitive Machines.
Theo chương trình Commercial Lunar Payload Services của NASA, Intuitive Machines phóng tàu đổ bộ Nova-C tới Mặt Trăng trong nhiệm vụ đầu tiên mang tên IM-1 vào cuối năm 2022. Lonestar sẽ chạy thử nghiệm phần mềm, lưu trữ lượng nhỏ dữ liệu trên trạm đổ bộ. Theo dự kiến, nhiệm vụ IM-1 sẽ kéo dài một ngày Mặt Trăng, tương đương 2 tuần trên Trái Đất.
Trong nhiệm vụ thứ hai IM-2, Intuitive Machines lên kế hoạch phóng tàu đổ bộ Nova-C khác tới cực Nam của Mặt Trăng để chở nhiều thiết bị, bao gồm mũi khoan băng PRIME-1 của NASA, quang phổ kế và nguyên mẫu phần cứng đầu tiên của Lonestar là thiết bị lưu trữ nặng một kilogram lớn cỡ quyển tiểu thuyết bìa cứng với bộ nhớ 16 terabyte. Theo lịch trình, IM-2 sẽ phóng vào năm 2023.
Trung tâm dữ liệu siêu nhỏ trên sẽ lưu trữ dữ liệu không thay đổi. Lonestar đang trong quá trình xác định tốc độ băng tần, xin cấp phép truyền dữ liệu từ Trái Đất tới Mặt Trăng và ngược lại ở băng tần S, X và Ka trong phổ sóng vô tuyến. Cơ hội thử nghiệm công nghệ trên Mặt Trăng lần đầu tiên của Lonestar phụ thuộc tàu đổ bộ Nova-C của Intuitive Machines có hạ cánh nguyên vẹn trên bề mặt Mặt Trăng hay không.
Theo Stott, Lonestar đang lên kế hoạch cho các nhiệm vụ tương lai nhằm phóng máy chủ có thể chứa 5 petabyte dữ liệu vào năm 2024 và 50 petabyte dữ liệu vào năm 2026. Khi đó, trung tâm dữ liệu có thể phục vụ lưu lượng truy cập dữ liệu giữa Trái Đất và Mặt Trăng ở tốc độ 15 gigabyte mỗi giây, nhanh hơn nhiều so với tốc độ Internet băng tần rộng trên Trái Đất.
Nếu công ty tiếp tục mở rộng quy mô và lưu trữ dữ liệu trong dài hạn, họ sẽ cần tìm cách bảo vệ trung tâm dữ liệu khỏi bức xạ vũ trụ và đối phó với nhiệt độ biến động từ 106 độ C vào ban ngày tới -183 độ C vào ban đêm trên bề mặt Mặt Trăng. Giải pháp của Stott là đặt trung tâm dữ liệu trong các ống dung nham nằm bên dưới mặt đất, tạo bởi dòng dung nham cổ đại. Bên trong những hố rộng này, nhiệt độ sẽ ổn định hơn và máy chủ sẽ được bảo vệ tốt hơn trước tia điện từ có hại.
An Khang (Theo The Register)
- Nhà lập trình đưa phi hành gia Mỹ đặt chân lên Mặt Trăng