Sáng 19/5, Chương trình do JICA và Cơ quan Khoa học và Công nghệ Nhật Bản (JST) phối hợp với trường Đại học Bách khoa Hà Nội; Đại học Công nghệ Nagaoka đã ký "Dự án đổi mới khoa học và công nghệ cao su thiên nhiên vì chu trình carbon toàn cầu".
Dự án tập trung phát triển các công nghệ tiên tiến nhằm thiết lập quy trình sản xuất cao su thiên nhiên không chứa protein quy mô lớn tại Việt Nam. Bên cạnh đó nghiên cứu phát triển các công nghệ mới về tính năng phân hủy sinh học của sản phẩm cao su, công nghệ phát thải thấp và hệ thống xử lý nước thải, giúp thu hồi tài nguyên trong sản xuất cao su.
Dự án sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) của Chính phủ Nhật Bản thông qua Chương trình Hợp tác Nghiên cứu Khoa học và Công nghệ hướng tới Phát triển bền vững (SATREPS) do JICA và JST thực hiện.
Dự án sẽ được triển khai trong 5 năm (từ 2022 đến 2027) và được coi là giai đoạn 2 của dự án "Tạo lập hệ chu trình vòng khí thải cacbon với cao su thiên nhiên" đã hoàn thành vào tháng 3/2016.
Giáo sư Yamaguchi Takashi đứng đầu nhóm nghiên cứu Nhật Bản cho biết, dự án giúp tạo nền tảng công nghiệp giúp đẩy mạnh việc sử dụng cao su thiên nhiên như một hoạt động khai thác các nguồn tài nguyên sinh học bền vững.
"Thông qua đổi mới khoa học và công nghệ, chúng tôi hy vọng sẽ góp phần xây dựng nền tảng phát triển cho lĩnh vực hóa học về cao su thiên nhiên, tạo ra các sản phẩm bền vững thay thế nhựa từ cao su thiên nhiên và được sử dụng
trong công nghiệp, dệt may, da giày và xây dựng", ông nói.
PGS Huỳnh Đăng Chính, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, quá trình làm việc với các nhà khoa học hàng đầu Nhật Bản đến từ Đại học Công nghệ Nagaoka sẽ nâng cao năng lực đổi mới khoa học và công nghệ cho các nhà nghiên cứu Việt Nam, giúp đất nước vượt qua những thách thức mới, trong đó có mục tiêu phát thải ròng bằng không vào năm 2050".
Ngành cao su Việt Nam đặt mục tiêu 1 triệu ha trong vòng 10 năm tới và đóng góp vào GDP cả nước 2-2,5 tỷ USD. Cao su thiên nhiên, được lấy từ mủ cây cao su (Hevea brasiliensis) là nguồn tài nguyên thực vật triển vọng ở châu Á. Đây là nguyên liệu quan trọng trong chế tạo vật liệu cách điện, chống rung, sản xuất lốp xe cỡ lớn và lốp máy bay, chế tạo một số sản phẩm y tế.
Như Quỳnh